Máy yếu chơi gì: Spore – Giả lập làm… thượng đế

Máy yếu chơi gì: Spore - Giả lập làm... thượng đế

Ngày nay khi bắt đầu chơi game, người ta thường sẽ bị bó hẹp trong suy nghĩ về một vài thể loại thông dụng kiểu như MOBA, Battle Royale, FPS, RPG-Open World, game thể thao và đối kháng. Thậm chí nhiều người nghĩ rằng, những thể loại như trên là những kẻ đã chiến thắng “chọn lọc tự nhiên” để trở thành tiêu chuyển cho video game hiện đại, và game mới ra phải bám theo các thể loại như thế, thì mới chiếm lĩnh nổi thị trường. Thế nhưng thực tế thì không có cái gọi là “chọn lọc tự nhiên” nào ở đây cả! Có những con game cách đây hàng thập kỷ đã xuất sắc đến mức gây nghiện cả cho một thế hệ nhờ gameplay hoàn toàn sáng tạo đến mức tự mình tạo ra một thể loại hoàn toàn riêng mà không có bất kỳ một sản phẩm nào bắt chước nổi. Và Spore của EA là một tựa game như thế!

Máy yếu chơi gì: Spore - Giả lập làm... thượng đế

Giới thiệu thế nghe có vẻ hơi “khoa trương” có đúng không? Thế nhưng kỳ thực đó lại đúng là những gì mà đa số người chơi (và nghiện) Spore đều suy nghĩ tới: Một thứ gì đó thực sự sáng tạo, một con game mang tính chất biểu tượng hoàn toàn khác biệt, chứ không phải đơn giản là “một game FPS khác”, hay “game MOBA khác”…

Giờ thì cùng tôi đi khám phá thế giới của Spore thôi nào!

Máy yếu chơi gì: Spore - Giả lập làm... thượng đế

Nếu bạn là người thường xuyên xem livestream game trên các trang mạng xã hội, có lẽ bạn sẽ không còn lạ lẫm gì các thể loại game giả lập cuộc sống, như giả lập lái xe bus (bus simulator), giả lập làm nông dân (farm simulator), giả lập làm… streamer (streamer simulator) và cả tỷ loại game giả lập khác. Thể loại này nổi tiếng đến mức, cái hồi Độ Mixi mở server GTA V, người ta cũng bảo là chơi “giả lập làm tội phạm” luôn!

Nếu nói theo kiểu này thì Spore sẽ được gọi là game “giả lập làm thượng đế”. Bởi vì trong trò chơi, bạn sẽ được toàn quyền điều khiển quy trình tiến hoá và sinh tồn của một loại sinh vật, từ khi nó còn đang là vi khuẩn đơn bào cho đến khi trở thành sinh thể sống phức tạp có trí tuệ, thậm chí là phát triển nên một nền văn minh vô cùng đồ sộ nữa!

Nghe có vẻ hơi rối ha! Về cơ bản thì game này lấy ý tưởng từ thuyết tiến hoá của Darwin: Mọi sinh vật trên đời đều bắt nguồn từ các sinh thể đơn bào, sau đó tuỳ vào điều kiện tự nhiên mà các biến dị sẽ dần dần hình thành, rồi tiến hoá dần lên. Tuy nhiên, cách vận hành của Spore nó hơi khác một xíu, rằng với quyền năng thượng đế, bạn sẽ có toàn quyền thao túng sự tiến hoá của sinh vật con cưng bất kể trí tưởng tượng có bay xa đến đâu.

Máy yếu chơi gì: Spore - Giả lập làm... thượng đế

Cụ thể hơn, Spore cho phép bạn điều khiển và điều chỉnh sinh vật của mình thông qua 6 giai đoạn tiến hoá, từ khi sinh thể bạn tạo ra chỉ là một vi sinh vật đơn bào, cho đến khi chúng phát triển tuần tự thành động vật cấp cao, thậm chí sở hữu trí tuệ, xây dựng nền văn minh đỉnh cao và bay vào vũ trụ để kết nối với hàng nghìn nền văn minh khác trên khắp thiên hà. Tổng cộng quá trình đó, nếu so sánh với thực tế lịch sử trái đất thì rơi đâu đó khoảng… 2 tỷ năm.

Nghe có vẻ sốc đúng không? Một con game lấy ý tưởng rộng lớn và tham vọng khủng khiếp đến mức mấy nghìn năm văn hoá Civilization cũng chỉ là một khoảnh khắc.

Thế nhưng thực tế thì chơi Spore còn “giải trí” hơn bất kỳ con game nào khác bạn có thể nghĩ tới. Đôi khi bạn sẵn sàng chơi đi chơi lại hàng nghìn lần để đóng vai thượng đế ban phát trí tuệ và sức mạnh cho sinh vật của mình. Đôi khi bạn chẳng khác gì Prometheus dành ra hàng giờ liền để trau chuốt hình hài cho sinh vật con cưng. Và đôi khi, bạn biết đó, thượng đế (là bạn) có thể sẽ phải ghen tị không ít với “ông thượng đế hàng xóm” khi họ tạo ra sinh vật vừa cute, vừa mạnh mẽ hơn bạn chẳng hạn.

Máy yếu chơi gì: Spore - Giả lập làm... thượng đế

Một khía cạnh ấn tượng khác của Spore là các nhà phát triển đã thực sự trao cho người chơi một số quyền sở hữu đối với các sáng tạo của họ, điều này tạo ra mối liên kết giữa người chơi và các thực thể ảo do họ tạo ra và thực sự khiến nó trở nên thú vị hơn một chút.

Thực tế thì dù đã trải qua 13 năm vận hành, Spore vẫn là một con game tuyệt vời cả về cách chơi lẫn cộng đồng yêu mến trò chơi. Bạn có thể đi khắp các diễn đàn (về game) để chia sẻ, hoặc tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo sinh vật với hàng triệu người chơi khác trên toàn thế giới. Tuyệt vời hơn nữa, những sáng tạo của bạn thậm chí cũng sẽ trở thành một phần của cơ sở dữ liệu gọi là Sporepedia, tất nhiên là nếu bạn chơi game bản quyền (và tôi nghĩ rằng bạn sẽ làm thế thôi! Vì con game này đang rẻ ối ra, chỉ khoảng 180k trên Steam).

Máy yếu chơi gì: Spore - Giả lập làm... thượng đế

Khi bắt đầu vào trò chơi, điều đầu tiên bạn phải làm là bảo vệ con vi sinh vật đơn bào của mình giữa thế giới vô cùng to lớn và đầy cạm bẫy. Bạn có thể cố gắng tránh thoát hoặc chiến đấu với các vi sinh vật khác tương tự như trò cá lớn nuốt cá bé. Sau đó nhờ vào từng đợt tiến hoá, sinh vật của bạn sẽ được “thượng đế” (chính là bạn đó) ban cho những nguồn sức mạnh mới để điều chỉnh, sửa chữa, nâng cấp cơ thể theo nhiều cách khác nhau để tăng cường khả năng sinh tồn. Như thượng đế tôi thì thích cho nó tiến hoá theo hướng ăn thịt với cả đống “vũ khí” như răng, móng vuốt… Nhưng thượng đế bạn gái tôi thì lại thích mẫu sinh vật có nhiều công cụ để chạy thoát kẻ thù chẳng hạn.

Dần dần cùng với sự phát triển ngày một mạnh mẽ hơn, sinh thể bạn tạo ra sẽ bước lên khỏi đại dương để bắt đầu cuộc phiêu lưu triệu năm trên cạn. Vẫn là cuộc chiến sinh tồn khốc liệt nhưng cũng vô cùng hấp dẫn. Bạn có thể trở thành động vật ăn cỏ, hoặc ăn thịt, có thể sống theo bầy đàn, hay cô độc, trang bị các loại “vũ khí” nguy hiểm hơn để chiến đấu với kẻ thù, hay khả năng lẩn trốn bảo toàn sinh mạng… Tất cả đều do “thượng đế” là bạn tạo ra.

Trong suốt quá trình chăm sóc và tiến hoá sinh thể yêu quý của mình, bạn sẽ gần như bị Spore quẳng vào một thế giới có cả tá các thể loại trò chơi khác biệt nhau: Từ cá lớn nuốt cá bé cho đến xây dựng, chiến thuật, hành động, thậm chí là cả RPG nữa! Ban đầu, sự sáng tạo của bạn chính là yếu tố cốt lõi để giúp sinh vật mạnh mẽ hơn, và có khả năng sinh tồn tốt hơn trong tự nhiên. Nhưng về sau, yếu tố chiến thuật và nhập vai sẽ ngày một rõ ràng khi các sinh thể bước chân vào thế giới văn minh, nơi mà bạn giao tiếp với đồng loại (hoặc các sinh thể thông minh khác), xây dựng đồng minh, phát triển thành phố, hay chinh phạt các vương quốc, và sau đó là các hành tinh khác.

Tôi phải thừa nhận rằng mình thích chơi Spore hơn ở giai đoạn chúng còn đang ở thể đơn bào cho đến khi trở thành sinh vật. Còn khi họ đã hình thành nền văn minh lớn rồi thì lại cảm thấy… hơi ngợp. Thế nhưng với nhiều người, họ lại thích giai đoạn sau hơn vì thứ trải nghiệm tương tự như chơi Civilization, hoặc Age of Empires nhưng đơn giản và tập trung hơn nhiều. Dĩ nhiên khi đã đi được đến bước này, có khi bạn đã giật mình nhận ra con game này đã ngốn hết của bạn cả buổi tối rồi, nhưng vẫn còn dư sức khiến bạn phải “nhả” thêm thời gian nghỉ ngơi vì những content thú vị sau đó. Có điều tôi không khuyến khích chơi quá 180 phút nha!

Thế nhưng bất chấp những ưu điểm tuyệt vời đó, Spore vẫn mang trong mình kha khá các vấn đề có thể khiến bạn chùng chân trước dự định dành hàng trăm giờ đồng hồ giải trí cho nó.

Thứ nhất là khiếm khuyết về mặt đồ hoạ. Mặc dù đáng ra bạn không nên chê trách đồ hoạ lên một con game đã ra mắt từ tận 13 năm trước, và dù sao, Spore cũng đã làm khá tốt với độ chi tiết sinh vật rất cao trên nền tảng hoạt hình cực cute, background cũng tương đối đẹp và hết sức đa dạng nữa. Thế nhưng từ hồi 2008 mà game chỉ mới có 16 bit thì kể ra cũng hơi tệ. Ít nhất thì nó cũng khiến tôi hơi khó chịu vì máy tính cứ phải tự giảm độ phân giải xuống mỗi khi bước vào game.

Thứ hai, để mở rộng phạm vi sáng tạo cho người chơi, Spore không thực sự đặt kỳ vọng vào độ hiệu quả của các loại “vũ khí trang bị” dựa theo vị trí đặt của chúng. Hơi khó hiểu phải không? Nói đơn giản là thế này: Nếu tôi đặt một cái sừng vào giữa trán sinh thể, nó sẽ có kỹ năng húc rất đẹp mắt chẳng khác gì tê giác ngoài đời. Nhưng khi tôi đặt chúng ở… 2 chân, sinh vật của tôi vẫn sẽ húc y như lúc sừng ở trên đầu, và hiệu quả lên kẻ thù cũng chẳng khác nhau bao nhiêu. Bạn có thấy kỳ không?

Lý do của chuyện này là, mỗi loại hình “trang bị” sẽ có một công năng khác nhau. Ví dụ như cánh dùng để lượn và nhảy, thì dù đặt ở chỗ nào trên cơ thể, nó cũng sẽ lượn và nhảy được. Tương tự với sừng để húc, đuôi thả độc, đèn phóng điện… Không cần biết bạn đặt vào đâu, cứ có chúng là bạn có skill, và sinh thể của bạn sẽ mang ra đánh nhau, hoặc kết bạn với hiệu quả bất chấp! Ừ thì nó cũng vui đấy! Nhưng với những người khó tính thì nó sẽ thành vấn đề.

Phần sau của trò chơi cũng là một điểm cần cân nhắc nếu bạn chỉ đến với Spore vì sở thích sáng tạo. Thực tế thì trong giai đoạn văn minh vượt trội, những biến đổi về cơ thể sinh vật sẽ không còn là ưu tiên nữa. Thay vào đó, ưu tiên của bạn là xây dựng, phát triển, mở rộng đế quốc, như tôi đã nói, là “giả lập Civilization hoặc Age of Empires. Nhiều người sẽ thích, nhưng nhiều người lại không!

Tuy nhiên, dù vẫn có những vấn đề của mình, nhưng Spore vẫn là một con game cực kỳ thú vị mà bạn nhất định phải chơi thử, nhất là khi bạn đã quá nhàm chán với những thể loại đang lặp đi lặp lại trong thế giới game hiện đại. Thêm vào đó, cấu hình game cũng là thứ bạn không cần phải nghĩ khi bắt đầu với trò chơi chỉ có dung lượng dao động từ 2 Gb (với bản cơ bản) đến 4Gb (với bản đầy đủ). Tôi có con laptop… thời Tống với chỉ 2Gb RAM và CPU Celeron D 326 (ra mắt tít từ 2005) vẫn chiến tốt con game này. Nên có lẽ phải đến 98% máy tính hiện tại ở Việt Nam, miễn sao có thể truy cập Google Chrome, đều chơi tốt. Đâu phải tự nhiên mà nó lại nằm trong series “Máy yếu chơi gì” đâu phải không?

Đánh giá từ 5ATM

Spore
8 10 0 1
Một con game sáng tạo tuyệt vời để khai thác những ý tưởng đột phá do chính người chơi thực hiện. EA rõ ràng là biết cách để tạo ra các thể loại game "engine", tức là trao quyền xây dựng nhân vật và sáng tạo cho khách hàng. Nổi tiếng hơn thì có thể kể đến The Sims. Nhưng Spore rõ ràng là còn... tự do hơn nhiều.
Một con game sáng tạo tuyệt vời để khai thác những ý tưởng đột phá do chính người chơi thực hiện. EA rõ ràng là biết cách để tạo ra các thể loại game "engine", tức là trao quyền xây dựng nhân vật và sáng tạo cho khách hàng. Nổi tiếng hơn thì có thể kể đến The Sims. Nhưng Spore rõ ràng là còn... tự do hơn nhiều.
8/10
Total Score
Total
0
Shares
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Previous Post
Đánh giá: The Dark Pictures Anthology: House of Ashes

Đánh giá: The Dark Pictures Anthology: House of Ashes

Next Post
Đánh giá: Age of Empires IV - Viết tiếp huyền thoại RTS

Đánh giá: Age of Empires IV – Viết tiếp huyền thoại RTS

Related Posts