Age of Empires II là một huyền thoại, không chỉ đối với riêng dòng game chiến thuật, mà còn là cả với lịch sử game PC nói chung nữa!
Đối với những người từng say mê thể loại game chiến thuật, thì cái tên AOE chắc chắn không phải là một cái tên xa lạ. Thậm chí có người nói rằng, nếu bạn chưa từng chơi qua Age of Empires II, bạn chẳng biết gì về game chiến thuật cả!
Có Age of Empires II còn hơn cả một huyền thoại.
Người ta nói, huyền thoại không bao giờ chết, thế nhưng thứ không chết chẳng qua là giá trị thương hiệu khắc sâu trong lòng người hâm mộ mà thôi! Còn bản thân nó, nếu như không chết, người ta đã không gọi nó là huyền thoại!
Còn Age of Empires II thực ra chưa bao giờ chết.
Ra mắt từ năm 1999, tức là cách đây đến hơn 22 năm, Age of Empires II vẫn là một trong những tựa game thu hút hàng trăm nghìn lượt xem livestream trên Facebook và YouTube ở riêng Việt Nam. Chim Sẻ Đi Nắng (gamer nổi tiếng nhất của tựa game này tại Việt Nam) vẫn là một ngôi sao trên mạng xã hội, và là một trong những game thủ nổi tiếng nhất mà người Việt Nam từng sở hữu, bên cạnh Sofm, Optimus, QTV, và nhiều cái tên khác. Năm 2019, 20 năm sau ngày ra mắt của Age of Empires II, bản remastered của siêu phẩm này cũng chính thức ra mắt để mang về hàng triệu đơn đặt hàng mới và “chốt sổ doanh thu cho dòng game này ở ngưỡng 1 tỷ USD.
Tuy nhiên khác với “người anh em” nổi tiếng ồn ào cũng thuộc thể loại game chiến thuật khác là World of Warcraft III (tổ tiên của thể loại game MOBA gồm Dota, League of Legends, Dota 2 và nhiều cái tên khác), Age of Empires nói chung và AOE 2 nói riêng, luôn tồn tại một cách âm thầm. Họ không có những giải đấu lớn với hàng triệu đô la tiền thưởng, không chiếm 8/10 máy tính ngoài hàng net, cũng không có đội ngũ fan-anti choảng nhau từng giờ từng phút trên khắp các trang mạng xã hội. Các chiến lược marketing sản phẩm cũng nhạt phèo đến mức hình như chẳng tốn mấy đồng. Thế nhưng theo thống kê từ các trang cho phép download game “lậu”, cũng như kết quả mua bán từ Steam, thì tựa game này đã có đến tổng cộng hơn 30 triệu lượt tải trong vòng 8 năm trở lại đây. Một con số thực sự ấn tượng, nhất là đối với thể loại game được đánh giá là “out meta” trong thời đại ngày nay.
Vậy thì điều gì đã khiến Age of Empires II thu hút đến thế?
Lý do đầu tiên, cũng là lý do cơ bản nhất để Age of Empires được chúng tôi xếp vào vị trí đầu tiên cho series “Máy yếu chơi gì” trên 5ATM.Art này, chính là nó yêu cầu cấu hình cực kỳ thấp, thấp hơn rất nhiều so với hầu hết những con game bạn đang chơi hiện tại. Dưới đây là bản cấu hình tối thiểu và cấu hình đề nghị của nhà sản xuất cho bản remaster ra mắt hồi 2019 (tức là thực ra nó còn có thể thấp hơn nhiều nữa nếu bạn chơi bản 1999). Thông tin công bố trên Steam như sau:

Nếu như bạn không phải là một chuyên gia về việc nhìn cấu hình, thì tôi sẽ giải thích ngắn gọn cho bạn là: Máy yếu cỡ nào cũng chơi được, miễn sao bạn đang dùng win 10.
Lý do thứ 2, chưa hoặc ít có một game chiến thuật đúng nghĩa nào phổ biến hơn Age of Empires II.
Trong thời đại công nghệ nhảy vọt như hiện nay, hầu như mọi thể loại game đều có những biểu tượng đỉnh cao vô cùng hiện đại và đầy sức hút. Như game nhập vai thì phải kể đến The Witcher 3: Wild Hunt, Horizon: Zero Dawn, God of War…, những siêu phẩm đã tạo ra thế giới vô cùng phong phú và đẹp mắt đến mức điện ảnh cũng phải nghiêng mình. Hay MOBA thì kể đến Liên minh Huyền thoại, Dota 2, LMHT: Tốc chiến, Liên quân Mobile, Mobile Legends: Bang Bang…). Battle Royale có PUBG, PUBG Mobile, Fire Fire, Naraka… Thậm chí các thể loại game cổ xưa vừa sống lại như Autochess cũng có Team Fight Tactic và Underlords rất hiện đại.
Thế nhưng các game chiến thuật thời gian thực như Age of Empires II có gì? Ờ thì… Hoạ chăng là có dòng Total War cũng khá được, nhưng cũng không được yêu thích lắm, mà cũng hơi khó tiếp cận với người mới. Còn Civilization thì thiên về chiến lược hơn.
Thực tế thì vì nhiều lý do như nhu cầu xã hội đối với dòng game MOBA tăng vọt, hay việc quảng bá một sản phẩm game chiến thuật cổ điển có vẻ rất khó khăn, nên đa số các nhà sản xuất đều lần lượt từ bỏ đầu tư vào dòng sản phẩm này. Thế nhưng một dòng game từng là ông vua của thế giới trò chơi một thời như game chiến thuật lại có thể đột ngột mất sạch toàn bộ fan vào tay MOBA hay sao?
Đáp án rõ ràng là không rồi!
Vậy trong trường hợp bạn muốn chơi game chiến thuật thì sao?
Chín mươi phần trăm rằng bạn sẽ nghĩ ngay đến Age of Empires II, một con game có thể nói là đại diện tiêu biểu nhất (và nổi tiếng nhất) mà thể loại game chiến thuật từng sản sinh ra.
Cái chuyện phổ biến này nó cực kỳ hữu ích. Bạn biết vì sao không?
Game chiến thuật kỳ thực ra có thể chơi cả multiplayer (chơi với bạn) và chơi với máy. Nhưng chắc chắn là chơi với bạn sẽ vui hơn nhiều rồi! Bạn có thể kết liên minh với nhau cho mục tiêu chinh phục toàn lục địa, có thể đối đầu với nhau trong một cuộc đua quân sự xem ai mới là chỉ huy tài ba hơn, hay đơn giản là có thể tự đặt ra luật chơi để thách thức nhau, theo một cách nào đó.
Vậy nên việc chơi một con game phổ biến, được nhiều người biết đến, sẽ giúp bạn dễ tìm được người chơi cùng hơn rất nhiều! Bạn có thể chơi LAN với những người chơi khác trên toàn thế giới thông qua các máy chủ phổ biến, hoặc có thể nhắn vài câu rủ vài đứa bạn chí cốt vào chơi cùng mà không cần phải lo chúng nó không biết chơi. Thế không phải là rất vui sao?
Thứ ba, Age of Empires II là tựa game hoàn chỉnh và toàn diện nhất của thể loại game chiến thuật. Vậy nên nếu bạn không có bất kỳ một ý tưởng đặc biệt nào, thì lựa chọn “Đế chế” chắc chắn là một lựa chọn vô cùng hài lòng.
Nếu bạn muốn kéo quân đi đánh nhau liên tục, bạn chơi Battle Realm. Nếu bạn muốn chiến tranh theo hướng chuyên nghiệp và chỉnh chu hơn, bạn chơi Total War. Nếu bạn muốn phát triển kinh tế đến mức đôi khi bỏ lơ luôn con đường quân sự, bạn chơi Civilization… Nhưng nếu bạn muốn chơi một game chiến thuật toàn diện có thể cân bằng hầu như tất cả mọi thứ, bạn nên chơi Age of Empires II.
Hàng chục nền văn minh khác biệt với những đặc trưng độc đáo và ưu – nhược điểm khác biệt nhau. Rất nhiều công trình từ sản xuất dân sự cho đến phát triển quân sự. 4 thời đại đi cùng với tiến bộ nhân loại. Hàng chục chủng loại quân và vô số các kỹ thuật chiến tranh tương ứng với bất kỳ lối chơi nào… Nếu xét về mặt tính năng, không một con game chiến lược nào đa dạng hơn Age of Empires, tính cho đến thời điểm này.
Một điều độc đáo khác ở đây chính là, bất chấp hệ thống tính năng cực kỳ đa dạng, AOE vẫn là một con game… cực kỳ dễ chơi, cực kỳ dễ tiếp cận dù cho bạn có là một chuyên gia về các trò chơi, hay chỉ là kẻ mới tò mò chơi thử những ván game đầu tiên trong cuộc đời.
Với tư cách là một người chơi không ít hơn 20 tựa game chiến thuật khác nhau, tôi tin chắc rằng không có bất kỳ con game nào lại dễ chơi đến mức… không cần phải trải qua bất kỳ một “màn hướng dẫn” (tutorial) nào. Civilization hay Europa Universalis thì khỏi nói rồi! Không hướng dẫn là khỏi chơi luôn! Nhưng Battle Realm, Total War, Stronghold, Starcraft hay Warcraft cũng chẳng dễ dàng gì hơn bao nhiêu, khi mà nếu không ráng đi chơi hướng dẫn, bạn chẳng đánh được gì cả!
AOE rất khác! Chỉ cần bạn biết đọc thôi là chơi được! Vì nó hỗ trợ ngay trong chính thời gian chơi. Tất nhiên là nếu bạn không quen thì khó thắng được người khác lắm! Nhưng mà game nào chẳng vậy!
Đấy là khen.
Còn ở hướng ngược lại, Age of Empires II kỳ thực cũng không phải là một con game quá hoàn hảo đâu!
Cái dở đầu tiên là đồ hoạ. Nếu bạn là người theo chủ nghĩa duy mỹ, thì một con game có đồ hoạ… đời Tống như AOE chắc chắn không thể khiến bạn hài lòng, dù cho nó cũng đã được upgrade kha khá từ hồi 2019 rồi!
Dù sao thì điều này cũng hợp lý! Chúng ta đang ở chuyên mục “Máy yếu chơi gì” cơ mà!
Thứ hai là về AI game.
Mặc dù bản remaster 2019 đã cải thiện kha khá so với phiên bản quá lỗi thời về mặt công nghệ vào 20 năm trước, nhưng hệ thống quân đội, cũng như nông dân đều không đủ “thông minh” như kỳ vọng của mọi người. Các đội quân lớn trong AOE, mặc dù có thể di chuyển tương đối khéo léo qua các chướng ngại trên bản đồ mà vẫn giữ được đội hình, nhưng lại quá dễ “vỡ vụn” thành loạn đả bất kỳ khi nào có đánh nhau. Còn đám nông dân thì chẳng bao giờ biết tự tạo cánh đồng mới sau khi bãi farm cũ hư hỏng. Kết quả là đi đánh nhau trầy vi tróc vẩy về, nhìn thấy mấy chục thằng dân mình đang đứng ngồi hóng mát, còn thịt thì thiếu thảm thương không cách nào tạo quân thêm được nữa. Nghĩ có chán không.
Tất nhiên là bạn vẫn có thể “đặt hàng” chúng nó sửa farm trước khi đi đánh nhau. Nhưng tại sao cái chuyện đơn giản như vậy mà cũng phải “manual” nữa chớ?
Thứ ba là về kết cấu game.
Có một điểm tôi rất ưng ở dòng game Stronghold chính là, bạn có thể bắt nông dân đi trồng lương thực, sau đó có cả một dây chuyền sản xuất tương đối dài để tạo ra nhiều thành phẩm khác nhau với giá trị kinh tế khác nhau. AOE không có được điểm này.
Tôi muốn có gỗ, tôi đi phá rừng. Tôi muốn có lương thực, tôi đi hái dâu, hoặc xây farm. Tôi muốn có vàng, tôi đi đào khoáng… Thế là hết. Không có thêm các tiến trình sản xuất nào nữa cả!
Như thế hơi chán nhỉ?
Thế nhưng thực ra chúng ta cũng nên thông cảm cho những khiếm khuyết này! AOE về bản chất vẫn là một con game cũ với nhiều tham vọng hết sức đa dạng nằm bên trong cấu hình bé nhỏ. Vậy nên chắc chắn là nó không thể khiến tất cả mọi người thoả mãn được 100% các yêu cầu hoàn toàn khác nhau được! Song nếu như bạn cần một con game chiến thuật đủ tốt để có thể giải trí với bạn bè khi rảnh rỗi, hoặc có tham vọng xây dựng nền văn minh “thống trị thế giới” trong game thì đây vẫn là một lựa chọn hoàn toàn chất lượng!