Đánh giá: Age of Empires IV – Viết tiếp huyền thoại RTS

Đánh giá: Age of Empires IV - Viết tiếp huyền thoại RTS

Từ đội ngũ chuyên thực hiện các tựa game chiến thuật thời gian thực (với các tựa game thành công như series Company of Heroes và Warhammer 40.000: Dawn of War), Age of Empires IV chính thức trình làng với tham vọng không chỉ vượt qua cái bóng lớn lao của Age of Empires đã ra đời từ hơn 2 thập kỷ trước, mà còn là chiếm lĩnh lại thị trường trò chơi thế giới vốn đang bị MOBA áp đảo.

Đánh giá: Age of Empires IV - Viết tiếp huyền thoại RTS

Khi Ensemble Studio, nhà phát triển của Age of Empires II, tuyên bố đóng cửa vào năm 2009, kỷ nguyên của thể loại game chiến thuật thời gian thực (hay còn được gọi tắt là RTS – Real Time Strategy) cũng chính thức khép lại.

Đánh giá: Age of Empires IV - Viết tiếp huyền thoại RTS

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Dota Allstar, và sau đó, tất nhiên là Liên minh Huyền thoại và Dota 2 (những tựa game thuộc thể loại mới thoát thai từ RTS, gọi là MOBA) đã khiến RTS cổ điển không còn chỗ đứng trên thị trường. Kết quả là trong suốt 1 thập kỷ sau đó, thể loại chiến thuật thời gian thực chỉ còn có thể bám víu vào những thương hiệu cũ kỹ để sống lay lắt dưới bóng hào quang MOBA.

Mãi đến 2-3 năm gần đây, khi cơn gió thị hiếu người chơi xoay chiều, RTS mới một lần nữa có cơ hội trở mình.

MOBA vẫn là một thể loại khổng lồ với hàng trăm triệu người chơi trên toàn thế giới trải khắp các hệ máy, thế nhưng nó không còn là bá chủ với vị thế độc tôn như trước nữa! Xu hướng hoài cổ với mong muốn lấy lại cảm giác chơi game ấu thơ của những người chơi lớn tuổi; khao khát tìm kiếm một gameplay đột phá hơn là multiplayer 5vs5 trên chiến trường chia lane từ những kẻ chính phục; hoặc đơn giản là đa số các gamer cả thèm chóng chán chẳng bao giờ thích bó mình vào một thể loại cố định… Tất cả những thứ đó đã mang lại cơ hội đứng lên cho những thể loại game lỗi thời trước đây, và RTS là một trong số đó.

Máy yếu chơi gì: Age of Empires II - Huyền thoại chiến thuật

Age of Empires IV, rõ ràng là đã lựa chọn được thời điểm rất tốt để ra mắt. Tuy nhiên, với những thành công tương đối lớn của bản remaster huyền thoại Age of Empires II vừa mới ra mắt hồi 2019, rõ ràng là Relic Entertainment cần phải làm rất nhiều việc mới có hi vọng kéo người chơi vốn đang trung thành với tựa game… 22 tuổi đời, lại vừa mới được “hồi xuân” kia sang một phiên bản mới mẻ hơn.

Bởi vì chắc hẳn mọi người cũng đều nhớ rằng AoE đã có bản 3, nhưng chả ai lại đi chơi cái bản đó cả! Thà chơi AoE II còn hơn.

Đánh giá: Age of Empires IV - Viết tiếp huyền thoại RTS

Điều đáng mừng là Relic, với kinh nghiệm đặc biệt phong phú về dòng game RTS của mình, rõ ràng là đã làm không tệ! Age of Empires IV thể hiện rõ ràng tham vọng gia tăng chiều sâu chiến lược so với tựa game huyền thoại AoE II: Yếu tố lịch sử, cụ thể là từ đầu thời kỳ Trung Cổ cho đến trước Phục Hưng được mô tả đặc biệt kỹ lưỡng với hàng loạt các chiến dịch, cutscene, và thậm chí là lời dẫn truyện trong thời gian đang chơi nhiệm vụ; các nền văn minh trở nên độc đáo và khác biệt hơn so với bản trước, cả về kiến trúc lẫn những khả năng đặc biệt; cả phương thức đánh trận cũng được nâng cấp đáng kể nữa!

Đánh giá: Age of Empires IV - Viết tiếp huyền thoại RTS

Chúng ta sẽ nói về cốt truyện trước.

Một phần lý do khiến cho AoE III không thể thành công như kỳ vọng, chính là vì bối cảnh của nó tập trung hẳn vào giai đoạn xâm chiếm thuộc địa (khoảng thế kỷ 16-20). Fan của AoE không thích điều này. Và đó là lý do AoE IV trở lại với thời trung cổ.

Tuy nhiên, ít nhất thì AoE IV thú vị hơn phiên bản thứ 2 ở chỗ, nhà sản xuất đã quyết định đưa chế độ campaign lên một tầm cao mới bằng cách nâng cấp… cách giới thiệu. Đừng cười! Nói thật là tôi cũng đã ngán cái kiểu giới thiệu bối cảnh campaign bằng “wall of texts” (rất rất nhiều chữ) như ở AoE II và III rồi! Dù sao thì bây giờ đã là những năm 20 của thế kỷ 21 rồi! Không phải làm game cốt truyện lúc này nên thêm vào một chút hoạt cảnh cho sinh động, thay vì chỉ đánh máy lên cho thiên hạ đọc toét mắt chơi sao?

Ờ thì, tôi hiểu là tốt hơn nên làm cinematic kiểu như “Riot Entertainment” ấy! Nhưng phim bằng các cảnh quay thực phủ CGI được thực hiện bởi một studio danh tiếng như Lion TV thì cũng không tệ phải không?

Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ, người chơi cũng sẽ được quyền unlock các video gọi là Hand of History theo đúng chủ đề nhiệm vụ vừa làm. Tổng cộng có 28 video loại này. Và tất cả đều được thể hiện hết sức thú vị để mô tả lại một khía cạnh lịch sử nào đó mà bạn vừa trải nghiệm. Ví dụ như giới thiệu về Trebuchet, Crossbow, hay Pole Weapons chẳng hạn. Dĩ nhiên là bình thường xem các nội dung mang tính chất “giáo dục lịch sử” thế này thì hơi chán, nhưng nếu như bạn vừa hoàn thành một màn chơi vô cùng thú vị, nơi mà sức mạnh của các món vũ khí nào đó vừa được thể hiện, thì một video giới thiệu lịch sử của món vũ khí đó tự nhiên sẽ hấp dẫn hơn nhiều.

Đánh giá: Age of Empires IV - Viết tiếp huyền thoại RTS

Giống như khi bạn thích chơi Yasuo, nên bạn cũng tự khắc có nhu cầu tìm hiểu thêm về cuộc đời của kẻ bất dung thứ vậy.

Còn giờ là phần rất quan trọng mà hầu hết người chơi Age of Empires đều muốn biết: Các nền văn minh, và lối chơi cụ thể.

8 nền văn minh xuất hiện trong giai đoạn hiện tại tuy không thể khiến cho các fan của Age of Empires hài lòng về số lượng, nhưng vẫn có thể chinh phục họ bằng chất lượng. Đế quốc La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire), Trung Quốc (Chinese), Mông Cổ (Mongols), Nga (Rus), Pháp (French), Anh (England), Vương triều Abbas (Abbasid Dynasty), và Vương quốc Hồi giáo Delhi (Delhi Sultanate), mỗi một nền văn minh đều sở hữu những đặc điểm hoàn toàn khác biệt, từ kiến trúc xây dựng, cho đến những ưu thế riêng, như điều kiện phần thưởng đặc biệt tuỳ theo nền văn minh, voi chiến độc đáo của Delhi, nhà trí tuệ của Abbas, khả năng di chuyển căn cứ thần tốc của Mông Cổ, hay đám dân Trung Quốc đẻ nhanh như… à mà thôi!

Đánh giá: Age of Empires IV - Viết tiếp huyền thoại RTS

Chính nhờ vào những đặc trưng vô cùng khác biệt giữa các nền văn minh này, lối chơi của AoE IV, có thể nói là thực sự khác biệt và sáng tạo hơn rất nhiều so với AoE II, nơi mà từ lâu đã trở thành vương quốc của những gã tay to lia chuột cực nhanh. Ờ thì tôi hiểu là với những con game ít có biến động về “meta” như AoE, thì chuyện lấy tốc độ đè sức sáng tạo cũng là chuyện sớm muộn thôi! Nhưng ít nhất là người chơi AoE cá nhân cũng như các gamer chuyên nghiệp cũng sẽ cần thêm vài năm nữa thì mới tính tới chuyện dùng tốc độ đánh bại tất cả như với AoE II hiện tại.

Đánh giá: Age of Empires IV - Viết tiếp huyền thoại RTS

Ngoài ra thì, cùng với những hứa hẹn về việc mở cửa cho đội ngũ sáng tạo trên toàn thế giới vào mod, Age of Empires IV rõ ràng là sẽ mở rộng số lượng nền văn minh lên con số lớn hơn 8 rất nhiều trong tương lai. Hãy nhớ rằng ban đầu AoE II cũng khong có quá nhiều nền văn minh đâu! Nhưng rồi cùng với sức sáng tạo vô biên của hàng triệu fan trên toàn thế giới, nó đã trở thành một tựa game đồ sộ như ngày hôm nay. Và AoE IV, nếu như được lòng người hâm mộ (và họ đang tỏ rõ ý định chiều fan của mình), thì tương lai cũng sẽ hết sức rộng mở!

Về gameplay, Age of Empires IV vẫn bám khá sát so với huyền thoại AoE II với cơ chế thu thập tài nguyên (gỗ, đá, vàng, thịt), xây dựng – “lên đời” nền văn minh, củng cố nâng cấp quân đội, và dĩ nhiên là chiến tranh nữa! Bạn cũng có thể có 3 cách chiến thằng, bao gồm dẫn quân đi đồ sát mọi thứ của đối thủ, xây dựng và bảo vệ kỳ quan, hoặc chiếm hết tất cả các thánh địa trên bản đồ.

Đánh giá: Age of Empires IV - Viết tiếp huyền thoại RTS

Nói về cách thức chiến tranh, các trận chiến trong Age of Empires IV tỏ ra khá mượt mà (vì dù gì thì đồ hoạ của nó cũng đang khá tân tiến mà). Đặc tính đội quân và cách bố trí đội hình vẫn sẽ mang lại những kết quả khác biệt giống như các bản trước. Kiểu như nếu như bạn vác dàn cung thủ ra đối đầu với kỵ binh thì sẽ chỉ còn lại đúng cái nịt. Hoặc các thương sĩ sẽ hành đám kỵ sĩ như con, nhưng lại sấp mặt với cung thủ… Lần này, khác biệt giữa các đơn vị sẽ còn lớn hơn nữa. Kết quả là bạn buộc lòng phải tập trung vào từng trận giao đấu nhỏ một để tránh thất bại trong một chiến dịch dài hơi.

Lần đầu tiên trong suốt series, bộ binh trong Age of Empires IV có thể xây dựng được tường thành để phòng thủ mà không cần tới sự trợ giúp của dân phu. Và tường thành cũng hữu ích hơn nhiều so với AoE II khi mà có khả năng giảm sát thương nhận vào cho phe phòng thủ, và sẵn sàng nâng cấp cho những nhiệm vụ đặc biệt.

Đánh giá: Age of Empires IV - Viết tiếp huyền thoại RTS

Một trong những ưu thế khác của tựa game chính là khả năng điều khiển quân đội hết sức dễ dàng. Khác với Battle Realms, Total War hay các tựa game RTS khác, AoE luôn biết cách để người chơi thao tác điều khiển quân đội dễ dàng nhất, và lực lượng luôn di chuyển theo cách thông minh và kỷ luật nhất. Bạn cũng có thể dùng phím tắt để gọi ra riêng một loại quân nhất định, hoặc phân tán chiến thuật, hoặc kết hợp hành quân… Tất cả đều có sẵn shortcuts. Ừ thì, AoE IV sẽ chẳng cải thiện gì nhiều ở phần này ngoại trừ việc các binh sĩ sẽ chọn vị trí đứng thông minh hơn một chút trong các khu vực khó di chuyển. Nhưng cải tiến này không quá lớn, và tôi nghĩ rằng đa số fan của AoE đều đã hài lòng từ lâu rồi!

Thuỷ chiến vốn là “sở ghét” của tôi trong suốt phiên bản AoE II, đến nay cũng có một chút cải thiện khi mà tàu cá đã có thể đi theo để sửa chữa tàu chiến. Bạn biết đấy! Chiến tranh trên mặt nước tốn kém lắm! Mà việc không thể hồi HP cho tàu chiến là một thứ gì đó hơi thất vọng. Nên thật may là từ nay nó đã được cải thiện.

Đánh giá: Age of Empires IV - Viết tiếp huyền thoại RTS

Và cuối cùng, trong những ngày tháng Bitcoin đang khiến thế giới phần cứng phải chao đảo như ngày nay, Age of Empires IV xuất hiện như một món quà khi yêu cầu cấu hình hết sức dễ chịu! Một chiếc card màn hình onboard của intel như HD520 hay của AMD như Radeon RX Vega 11, kết hợp với ram 8Gb và CPU tầm trung là đủ cân con game này rồi! Bạn biết đó! Tầm này thì đừng có mơ mà mua RTX 1060 với giá dưới 5 triệu như hồi 2017 nữa! Cho nên game cho xài card onboard như thế này chẳng khác gì món quà cả!

Đánh giá: Age of Empires IV - Viết tiếp huyền thoại RTS

Cuối cùng, nhưng cũng là một trong những yếu tố quan trọng có thể quyết định xem Age of Empires IV có thể đi xa đến đâu trong hành trình chinh phục fan RTS, chính là chế độ multiplayer!

Chúng ta chỉ mới trải qua 4-5 ngày kể từ khi AoE IV ra mắt, vậy nên hiện tại vẫn còn quá sớm để khẳng định xem meta game sẽ trông như thế nào, hay liệu AoE IV có thực sự xuất sắc đến mức chiếm được lòng tin người hâm mộ, từ đó thay thế AoE II đang ngự trị suốt 20 năm qua, thậm chí còn phát triển mạnh mẽ hơn nhờ bản remaster 2 năm trước, hay là không. Thế nhưng với trải nghiệm cá nhân tôi trong khoảng hơn 20 trận đấu trực tuyến thì cũng tương đối tốt. Hơi ít người chơi một chút nên cũng chẳng lag gì mấy! Thật đó!

Đấy là khen, từ giờ sẽ là phần chê.

Trước tiên là về phần cốt truyện: Age of Empires IV quá tập trung vào sự phát triển của “các loại vũ khí” hơn là yếu tố con người. Bạn có 4 campaign lớn dài đằng đẵng, nhưng hiếm khi nào được phép điều khiển một nhân vật dài hơn 2 nhiệm vụ. Thậm chí nếu nhân vật bạn đang điều khiển có chết đi thì cũng chẳng có ý nghĩa gì sất! Nhiệm vụ vẫn sẽ tiếp tục, giống như lịch sử vẫn tiếp diễn dù cho có thiếu vắng bất kỳ ai.

Tôi hiểu là trong dòng nước lịch sử như Trường Giang cuộn sóng chảy về đông, dù cho có là cá nhân nào thì cũng chẳng qua chỉ là hạt cát mà thôi! Thế nhưng điều đó có nghĩa là bạn chẳng có bất kỳ một câu chuyện nào cả! Tất cả chỉ là lịch sử vô tình và những trận chiến tàn khốc. Tất cả chỉ có như thế!

Nếu như bạn là một người chơi hệ cốt truyện, chắc chắn rằng bạn sẽ đồng ý với tôi rằng: Quả thực là hết sức thú vị khi được trải nghiệm và tìm hiểu về các loại vũ khí cổ đại, thế nhưng rõ ràng là tôi đánh giá cao một câu chuyện, hoặc một vài nhân vật kiệt xuất nào đó đã góp phần đẩy guồng máy văn minh đi lên, hơn là những sản phẩm chiến tranh khô khốc.

Gameplay cũng có nhiều thứ để bàn. Như cách áp dụng cơ chế chuyển động đường đạn (projectile motion) của các đội quân tầm xa không phù hợp lắm với bối cảnh thời trung cổ, các kỵ sĩ gần như chỉ biết thúc ngựa để vào… đánh tay, chứ hoàn toàn không có cơ chế lao vào đột phá vòng vây (tức là thúc ngựa tông thẳng vào, lấy lực quán tính để tiêu diệt đối thủ), đường xá trong game cũng không có tí tác dụng nào trong việc tăng tốc độ hành quân, mà chỉ mang ý nghĩa duy nhất là… trang trí cho bản đồ thêm đẹp… Tất cả những điều đó tạo nên cảm giác rằng đội ngũ sản xuất đã “gáy” rất to khi tuyên bố nghiên cứu rất kỹ từng nền văn minh trong lịch sử, nhưng thực tế lại chẳng quan tâm một chút gì đến phương thức chiến đấu thời xa xưa, hệ quả là khiến cho AoE IV trở nên thiếu chỉnh chu trong mắt người chơi hiện tại.

Cơ chế phát triển kinh tế cũng bị phàn nàn khá nhiều! Farm thì không bao giờ cần sửa chữa khôi phục(vốn là một tính năng rất đáng ghét, nhưng thực tế, của AoE II), còn rừng cây thì ngược lại, không bao giờ mọc lại (ơ hay). Động vật trong game thì chẳng khác gì ma-nơ-canh khi chẳng bao giờ di chuyển ra xung quanh, hoặc bị tác động bởi các con khác. À, hình như chúng cũng chẳng sinh thêm luôn thì phải!

Một số yếu tố môi trường cũng hoàn toàn bị bỏ lơ, như chả bao giờ thấy ngày đêm hay biến đổi thời tiết gì sất! Ừ thì tôi hiểu là con game này mô tả tới 10 nghìn năm lịch sử lận, chuyện gắn sáng/tối, hay xuân – hạ – thu – đông vô cũng hơi phi logic thiệt! Nhưng nếu chỉ có rặt 1 loại thời tiết thì hình như hơi chán!

Con game này cũng còn sót lại kha khá lỗi! Như các đơn vị quân đội cứ hay bị “nhảy” ra khỏi tường như thể có teleport, hoặc đôi khi chúng bị “lạc” trong rừng dù tôi đã cố gắng điều hướng rõ ràng, hoặc nhiều lúc quân đội bị đối phương đập cho tan tác nhưng lại… không hề đánh trả. Tuy nhiên nếu so sánh trong một năm mà vô số bom tấn ra đời với cả tấn lỗi như năm nay, thì một con game có vài lỗi nho nhỏ như Age of Empires IV vẫn là thứ gì đó tương đối đáng để hài lòng! Giống kiểu thằng chột làm vua xứ mù ấy! Không có gì để khen cả! Nhưng chê thì cũng không đáng để chê cho lắm!

Những người yêu thích chơi đơn có lẽ sẽ không hài lòng như team chơi multiplayer! AI trong game hơi tệ, đến mức chế độ khó nhất của game cũng chẳng khác gì một trò đùa cả! Như bản thân tôi chưa bao giờ là người chơi hệ kỹ năng (thực tế thì tôi chơi game khá tệ) nhưng lại có thể đánh bại hầu hết trong chế độ khó nhất ngay trong lần chơi đầu tiên. Như thế thì còn thử thách quái gì nữa chứ!

Đánh giá từ 5ATM

Age of Empires IV
8 10 0 1
Một con game tuyệt vời xứng đáng ăn điểm 9 nếu nó không có tên là Age of Empires! Tuy nhiên thực sự mà nói thì nếu mang danh Age of Empires, và được phép kế thừa vô số nhưng ưu điểm tuyệt vời nhất của AoE II, thì những điều mà Age of Empires IV làm được là chưa thực sự nổi bật xứng đáng để kế thừa huyền thoại 20 năm kia! Ở 5ATM, chúng tôi không để số lẻ, cho nên 7,7 điểm sẽ tự làm tròn lên 8 luôn! Nhưng nói 8 thì cũng được!
Một con game tuyệt vời xứng đáng ăn điểm 9 nếu nó không có tên là Age of Empires! Tuy nhiên thực sự mà nói thì nếu mang danh Age of Empires, và được phép kế thừa vô số nhưng ưu điểm tuyệt vời nhất của AoE II, thì những điều mà Age of Empires IV làm được là chưa thực sự nổi bật xứng đáng để kế thừa huyền thoại 20 năm kia! Ở 5ATM, chúng tôi không để số lẻ, cho nên 7,7 điểm sẽ tự làm tròn lên 8 luôn! Nhưng nói 8 thì cũng được!
8/10
Total Score
Total
0
Shares
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Previous Post
Máy yếu chơi gì: Spore - Giả lập làm... thượng đế

Máy yếu chơi gì: Spore – Giả lập làm… thượng đế

Next Post
Đâu là game xuất sắc nhất mọi thời đại?

Game xuất sắc nhất mọi thời đại là game nào?

Related Posts