Đánh giá: The Dark Pictures Anthology: House of Ashes

Đánh giá: The Dark Pictures Anthology: House of Ashes

Có hai cách để kéo một con game đến gần hơn với điện ảnh chính là:

1, Xây dựng một câu chuyện vô cùng sâu sắc với lối kể chuyện thông minh, thế giới sống động và có khả năng tạo ra những rung động nghệ thuật tinh tế đối với người chơi;

2, Hoặc là đơn giản tạo ra một bộ phim thực thụ với khả năng tương tác tạo ra nhiều tình tiết mới kiểu như Hotel Dusk, Hollywood Beyond Two Souls hay Until Dawn.

Và lựa chọn của Supermassive Games, với thành công trước đó của họ là Until Dawn, tất nhiên sẽ là con đường thứ 2.

Thế là phiên bản thứ 3 của The Dark Pictures Anthology, tức là The Dark Pictures Anthogogy: House of Ashes ra đời.

Đánh giá: The Dark Pictures Anthology: House of Ashes

Ý tưởng của những người sáng tạo nên The Dark Pictures Anthology: House of Ashes chính là xây dựng một bộ phim tương tác kinh dị có yếu tố chiến tranh lịch sử, rồi kết hợp chúng với thuyết huyền bí Lovecraftian.

Năm 2003, Iraq bị Hoa Kỳ chiếm đóng. Sau bài phát biểu “nhiệm vụ đã hoàn thành” của Tổng thống George W. Bush, quân đội Mỹ bắt đầu săn lùng thứ gọi là “vũ khí hủy diệt hàng loạt” để biện minh cho cuộc xâm lược.

Câu chuyện của House of Ashes bắt đầu với một nhóm binh sĩ đang hành quân tìm kiếm một căn hầm chứa vũ khí. Thế rồi sau một trận quyết chiến, họ bị nhấn chìm cùng với kẻ thù giữa một ngôi đền cổ của người Sumer.

Khi đi qua những hành lang nghìn năm ẩn sâu dưới lòng đất đó, họ nhận ra rằng quân kháng chiến Iraq thực ra lại là vấn đề nhẹ nhàng đáng yêu nhất mà họ có thể đối mặt khi mà có cả tá các thứ sinh vật huyền bí đáng sợ chuyên đi săn lùng từng người, từng người một.

Đánh giá: The Dark Pictures Anthology: House of Ashes

Mặt dù bối cảnh khởi đầu là ở Chiến tranh Iraq 2003, nhưng The Dark Pictures Anthology: House of Ashes lấy cảm hứng nhiều hơn từ thần thoại Mesopotamian, mà cụ thể là câu chuyện về vua Naram-Sin, một vị vua Lưỡng Hà của đế chế Akkadian. Trong thần thoại, vua Naram-Sin đã ăn cắp bức tượng thần trong một ngôi đền, và nữ thần (có lẽ là của ngôi đền ấy) đã trừng phạt ông bằng cách tạo ra một cơn đại dịch khủng khiếp trút xuống đế chế.

Trong trò chơi, người chơi được phép điều khiển đan xen 5 nhân vật khác nhau. Trong đó có 4 người là lính quân đội Hoa Kỳ, và người còn lại là lính Iraq. Đó đều là những người lính có khát vọng, mục tiêu và hoài bão, nhưng đồng thời cũng có cả những phức cảm “rất con người”. Tất cả đều có khả năng tạo ra đồng cảm sâu sắc đối với người chơi, cũng như thể hiện một cách chân thực, sinh động, nhưng cũng đầy nhân văn về những con người được đào tạo để “giết người một cách chuyên nghiệp”, cũng như những dằn vặt tâm lý vô cùng phức tạp khi tham gia cuộc chiến tranh khốc liệt và tang thương bậc nhất lịch sử thế giới đương đại.

Đánh giá: The Dark Pictures Anthology: House of Ashes

Gạt bỏ những khác biệt về tính cách, nhu cầu cá nhân, hay thậm chí là những khác biệt tưởng như không thể khoả lấp giữa những con người được xem là kẻ thù chiến tranh của nhau (ít nhất là về mặt chính trị), cả 5 nhân vật, như đã giới thiệu, bị buộc chặt vào nhau như là một đội. Đối mặt với những thử thách gần như bất khả thi, những thù hằn dân tộc, một thứ tưởng như không thể to lớn hơn trong những năm tháng chiến tranh, lại trở nên thứ yếu. Và rồi, chính mối quan hệ độc đáo giữa các nhân vật chính đó lại trở thành động lực thú vị để thúc đẩy người chơi bước vào cuộc phiêu lưu. Bạn biết đó! Được trải nghiệm thế giới vừa bí ẩn (kinh dị) vừa đầy thách thức như House of Ashes có thể khiến bạn phải hài lòng không ít, nhưng sự hợp tác vượt qua định kiến như giữa 5 nhân vật còn tạo ra rất nhiều cảm xúc đặc biệt hơn nữa về niềm tin, hi vọng, tinh thần đồng đội và khát khao sinh tồn tột bậc.

Đó là nói về mặt ý tưởng.

Thực tế thì trong bản thân câu chuyện, người chơi đôi khi còn phải đối mặt với những thử thách “khó chịu” liên quan tới tinh thần đồng đội nữa! Ví dụ như, tôi spoil nhẹ một xíu, rằng trong một số phân đoạn, quyết định phản bội bạn bè, đôi khi sẽ cứu được nhiều người hơn là sự trung thành. Vậy nên nếu bạn có chơi, hãy cẩn thận!

Thế nhưng tất cả những điều tuyệt vời ở trên đều không thể khoả lấp được một sự thật là, The Dark Pictures Anthology: House of Ashes là một tựa game chưa thực sự xuất sắc đủ để hấp dẫn những người yêu thích dòng game phiêu lưu kinh dị, và cả những người mong muốn một trải nghiệm điện ảnh chủ động hơn!

Thứ nhất, chúng ta đã nói ở đầu bài viết, House of Ashes đã chọn ra những ý tưởng tuyệt vời cho câu chuyện của mình: Cuộc chiến tranh tàn khốc ở Iraq, kéo theo đó, là sự xung đột mãnh liệt về lý tưởng – nhân sinh quan với khát khao sinh tồn và những giá trị nhân bản khác; và một thần thoại lừng danh của nền văn minh vĩ đại Lưỡng Hà. Thế nhưng diễn tiến câu chuyện lại không có cách nào khai thác được những tiềm năng tuyệt vời từ ý tưởng đó!

Thú thực là khi đọc các mô tả về trò chơi, tôi đã rất kỳ vọng được theo dõi sự hình thành tính cách của các nhân vật chính thông qua chiến tranh, cũng như những tác động của trận chiến sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ cá nhân của họ như thế nào, hay cách các binh lĩnh Mỹ biện minh về cuộc chiến xâm lược của họ, và lòng kiêu hãnh của chiến binh Iraq khi đứng lên vệ quốc ra sao… Tất cả những sắc thái đó đều có thể là một diễn ngôn nghệ thuật vô cùng sâu sắc và nhân văn về con người trong bối cảnh chiến tranh. Thế nhưng đáp lại những kỳ vọng đó lại là một câu chuyện hời hợt về một lời nguyền trong tàn tích cổ đại. Bạn biết không? Chuyện này làm tôi nhớ tới câu nói của Meryl khi cô bị Sniper Wolf bắn trong Metal Gear Solid, rằng “tôi thật ngây thơ khi muốn trở thành một người lính. Đây là một cuộc chiến xấu xa tồi tệ, và chẳng có một chút xíu vinh quang nào ở đấy cả!”. Và thế là vì cuộc chiến xấu xí đó không có gì vui, nên họ quẳng cả đám lính vào phim… Xác ướp Ai Cập như một cách mà dân gian hay gọi là “treo đầu dê bán thịt chó”.

Đánh giá: The Dark Pictures Anthology: House of Ashes

Gameplay của The Dark Pictures Anthology: House of Ashes cũng không thực sự hấp dẫn! Tôi hiểu là một con game lai tạp với điện ảnh tương tác thì sẽ khó lòng có một gameplay thú vị như đa số các dòng game khác. Nhưng ngay cả khi so với các con game cùng dòng thì House of Ashes cũng chẳng nằm trong top những con game thú vị nhất.

Sự thật là nếu bạn đã từng chơi Heavy Rain, một con game phiêu lưu chính kịch tương tự, ra mắt hồi 2010, bạn sẽ thấy cái thể loại này có thể khai thác cơ chế chơi thú vị đến thế nào. Cụ thể là trong con game này, khi nhân vật của bạn gặp khó khăn trong một hành động nào đó, bạn cũng sẽ gặp khó khăn tương ứng khi điều khiển họ. Ví dụ như khi nhân vật đang bình tĩnh và tỉnh táo thì điều khiển rất dễ, nhưng khi say rượu thì điều khiển thực sự là một thử thách.

Đánh giá: The Dark Pictures Anthology: House of Ashes

Cái anh chàng House of Ashes chẳng có cả cái tính năng quen thuộc từ 1 thập kỷ trước này.

Ừ thì cũng có người cãi là làm thế để đẩy nhanh tiến độ trò chơi, cho hấp dẫn hơn chẳng hạn. Nhưng thực tế thì đâu thể đem tiến độ game ra để biện hộ cho sự lười biếng xây dựng lối chơi được! Với lại, chuyện điều chỉnh cho một hành động khó khăn thêm một chút, kiểu như dễ trượt tay hơn chẳng hạn, cái đó đâu có khó khăn gì!

Đánh giá: The Dark Pictures Anthology: House of Ashes

Nhịp độ trò chơi cũng là một nhược điểm chí mạng có thể khiến House of Ashes mất rất nhiều người chơi ở giữa tiến trình chơi. Bởi vì đành rằng diễn tiến câu chuyện khá hợp lý, nhưng trải nghiệm chơi từng thời điểm lại khá tệ! Đôi khi người chơi phải ngồi xem cinematic và chờ đến nhiều phút đồng hồ mà không được phép tương tác vào bất cứ thứ gì, sau đó nhân lúc bạn đang… ngủ gật thì đột nhiên bắt bạn phải lựa chọn phải trả lời câu hỏi, hoặc đi xuống cầu thang, sau đó lại ngồi đợi, đợi, và đợi.

Đánh giá: The Dark Pictures Anthology: House of Ashes

Hình ảnh nhân vật hơi thô cũng là một điểm trừ đáng phải nhắc đến, nhất là trong thời đại mà nhà nhà người người chơi game đẹp lung linh. Nền tảng chơi game mới mẻ cũng mạnh hơn xưa rất rất nhiều lần. Đồng ý là trong nhiều phân đoạn, nhân vật trông cũng đẹp đấy, nhưng đa số các trường hợp thì trông cứ như tượng sáp biết đi ấy! Nếu không làm tương phản và ánh sáng tương đối tốt thì tôi còn tưởng mình đang chơi game của… thập kỷ trước cơ!

Đánh giá từ 5ATM

The Dark Pictures Anthology: House of Ashes
6 10 0 1
Supermassive đã cho thấy sự "đuối sức" của mình trong phần 3 của series The Dark Pictures Anthology. Mặc dù vẫn biết cách để chọn ra một câu chuyện thông minh, lối dẫn dắt thú vị và tiết tấu cốt truyện rất khá, thế nhưng sự dè dặt trong việc áp dụng những ý tưởng đột phá hơn, cũng như những khuyết điểm lặp đi lặp lại, House of Ashes có lẽ sẽ hơi khiến cho những người yêu thích dòng game này thất vọng, mặc dù nếu bạn là người mới tìm đến với series này thì vẫn sẽ yêu thích ở một mức độ nhất định
Supermassive đã cho thấy sự "đuối sức" của mình trong phần 3 của series The Dark Pictures Anthology. Mặc dù vẫn biết cách để chọn ra một câu chuyện thông minh, lối dẫn dắt thú vị và tiết tấu cốt truyện rất khá, thế nhưng sự dè dặt trong việc áp dụng những ý tưởng đột phá hơn, cũng như những khuyết điểm lặp đi lặp lại, House of Ashes có lẽ sẽ hơi khiến cho những người yêu thích dòng game này thất vọng, mặc dù nếu bạn là người mới tìm đến với series này thì vẫn sẽ yêu thích ở một mức độ nhất định
6/10
Total Score
Total
0
Shares
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Previous Post
Age of Empires IV sẽ ra mắt vào 28-10 này

Bạn có thể trông chờ gì ở Age of Empires IV sẽ ra mắt vào 28-10?

Next Post
Máy yếu chơi gì: Spore - Giả lập làm... thượng đế

Máy yếu chơi gì: Spore – Giả lập làm… thượng đế

Related Posts