Trong lần đầu tiên nhìn thấy Kena and Bridge of Spirits, cảm giác đầu tiên của tôi, chính là thứ gì đó lai tạp giữa The Legends of Zelda: Breath of the Wild và Horizon: Zero Dawn, cộng thêm một chút cảm giác… Disney trong tạo hình nhân vật nữa!
Một thế giới tương tự như Legend of Zelda, một phong cách chiến đấu tương tự như Horizon, và một hệ thống nhân vật như hoạt hình của Disney, nghe có vẻ thú vị đúng không?
Trong thời gian này, khi mà chúng ta, cũng như phần còn lại của thế giới đang phải hứng chịu những hệ quả nặng nề từ đại dịch covid, mọi người bị buộc phải ở trong nhà nhiều hơn, và dĩ nhiên, có nhiều thời gian để chơi game hơn, hẳn bạn cũng nhận ra rằng, ngày nay có thực sự ít những con game mới đủ hấp dẫn để cuốn chúng ta ra khỏi thực tại, giống như cách mà The Witcher 3, Assassin’s Creed: Unity, Horizon: Zero Dawn, Legends of Zelda: Breath of the Wild hay hằng hà sa số các con game thời gian trước. Dĩ nhiên là không đến mức không còn gì để chơi khi mà League of Legends, Genshin Impact, Free Fire hay Liên Quân Mobile vẫn có những vị thế nhất định trong thị trường game online nhờ cộng đồng rộng lớn của chúng. Tuy nhiên, một khi bạn đã là một tín đồ của dòng game AAA offline, thì các thể loại online thực ra cũng chỉ là những bữa ăn xế cho qua cơn… thèm ăn mà thôi!
Một phần lý do cũng là từ việc chúng ta có nhiều thời gian hơn để chơi, nhưng phần khác chính là sự thoái trào của huyền thoại Console PS4, và tân vương PS5 chỉ vừa mới xuất hiện. Chẳng một studio nào dám mạo hiểm ra một con game Console đẳng cấp mới nếu nó không thể tối ưu được trên phiên bản mới nhất của dòng Play Station cả! Bạn biết rồi đấy! Switch phù hợp với những game mang tính chất gia đình, hoặc các gameplay độc lạ hơn, còn Xbox thì vẫn là thứ gì đó không thực sự phổ biến trong cộng đồng, xét theo hàm nghĩa nào đó (và Xbox thậm chí cũng vừa mới ra bản mới luôn).
Vậy nên sự xuất hiện của Kena and Bridge of Spirits giống như cơn mưa rào đầu tiên sau kỳ nắng hạn! Bạn có thể lần đầu tiên sau nhiều tháng được trải nghiệm một thế giới hoàn toàn mới mẻ, thay vì tiếp tục lần mò trong Hunter World và The Witcher u tối, hay trong Red Dead Redemption 2 và GTA 5 điên loạn, hay trong Legend of Zelda bao la bát ngát… Đó là một trong những lý do quan trọng khiến Kena có thể nắm chắc thiên thời.
Nhưng xuất hiện sớm chưa chắc đã hay! Hãy nhớ lại hồi tháng 5, xem cộng đồng game offline đã từng thất vọng về quả “bom xịt” Biomutant tới cỡ nào! Dĩ nhiên là Biomutant được xây dựng để tương thích với các nền tảng tương đương PS4 và Xbox One, tức là các Console hệ cũ, và nó đã bị ép tiến độ để hoàn thành sớm trước khi PS5 trở nên quá phổ biến. Tuy nhiên, thất vọng vẫn cứ là thất vọng!
Kena and the Bridge of Spirits thì khác hơn một chút. Sau 2 ngày ra mắt, phần đa người chơi đều có cùng một cảm nhận rằng: Đây là một con game thế giới mở hết sức “đáng yêu” với nội dung gọn gàng và trau chuốt “đến từng phút một”. “Trau chuốt đến từng phút một” là một lời đánh giá cực kỳ sắc sảo đến mức có thể khiến bất cứ một con game thế giới mở nào phải nở mũi tự hào! Nên nhớ rằng bản chất của game thế giới mở, tức là bạn có thể làm bất cứ thứ gì bạn thích bất kể nó có nằm trong cốt truyện chính hay không. Vậy nên chuyện… có vài phút nhàm chán trong một nhiệm vụ phụ vớ vẩn nào đó là điều có thể thông cảm được, kể cả khi đó là những con game cực hype với hàng triệu fan trên toàn thế giới như Assassin’s Creed II…
Vậy đâu là lý do khiến người dùng tin rằng Kena “trau chuốt đến từng phút một”?
Thứ nhất là nó không có nhiệm vụ phụ vớ vẩn nào! Đó là ưu điểm. Nhiệm vụ phụ là cách để nhà sản xuất mở rộng thế giới của mình và khiến nó “trông có vẻ sống động hơn”, tuy nhiên đa số đều được thực hiện một cách khá hời hợt và chẳng gây được nhiều hứng thú cho người chơi. Lý do là, vì nó chỉ là nhiệm vụ phụ, chẳng ai thèm trau chuốt nó làm gì cả! Cứ bày bừa ra cho đủ số là được.
Kena and Bridge of Spirits giải quyết bài toán đó bằng cách… bỏ sạch mấy thứ vớ vẩn đó ra khỏi thế giới của họ để tập trung vào câu chuyện chính. Điều này dĩ nhiên là khiến thế giới trong game trở nên nhỏ hẹp đi, nhưng bù lại sẽ tăng được trải nghiệm khách hàng hơn. Một lựa chọn thông minh và phù hợp với điều kiện của nhà sản xuất (vốn là một studio nhỏ chưa có nhiều tiếng tăm trong lĩnh vực game).
Thứ hai, tương ứng với việc không có nhiệm vụ phụ, Kena and Bridge Spirits luôn lôi kéo người chơi đi theo cốt truyện chính không khác mấy so với các trò chơi hành động tuyến tính (game theo cốt truyện) với hệ thống sao lưu tự động hoạt động liên tục. Nhờ đó, bạn sẽ hiếm khi “đi lạc” trên bản đồ, hiếm khi đi qua đi lại ở những khu vực giống nhau, và từ đó, hiếm khi phải trải qua những phút giây nhàm chán khi phải lang thang vô định giữa rừng già.
Và thứ ba, âm nhạc và hình ảnh trong game rất tuyệt! Nếu bạn từng mê mệt hệ thống OST của Genshin Impact hay Ghost of Tsushima thì cũng sẽ say đắm Kena and Bridge of Spirits như thế. Còn về hình ảnh thì như tôi nói ban đầu, con game này chẳng thua kém gì một bộ phim hoạt hình của Disney như Frozen hay Brave cả!
Điểm thú vị nhất, cũng là thứ có đủ khả năng tạo ra khác biệt cho thế giới của Kena and Bridge Of Spirits, chính là lũ Rott trông khá là… cute, nhây và thực sự hữu dụng trong rất nhiều tình huống diễn ra inGame.
Bạn gái tôi là một người cực kỳ thích game, cô ấy chơi rộng các thể loại khác nhau từ các game online thuộc thể loại MOBA, Royale, đến các game Co.op như Genshin, GTA 5, và offline như Concrete Genie… Thế nhưng cô lại thường hết sức e sợ khi chơi Legend of Zelda: Breath of the Wild. Lý do cơ bản nhất theo cô ấy, chính là cảm giác cô đơn tận cùng của Link trong thế giới rộng lớn đó. Link gần như không thuộc thế giới này, và những người dù là thân cận nhất với hàng tá những câu chuyện gắn bó với Link vẫn mang đến thứ cảm giác gần như xã giao.
Nếu nói về thứ cảm giác này, thì Kena and Bridge Of Spirits rõ ràng là có ưu thế hơn Zelda rất nhiều lần!
Emberlab rõ ràng là đã lựa chọn bầy Rott làm ý tưởng đầu tiên trong suốt quá trình xây dựng trò chơi của mình với 100 con trải khắp bản đồ. Họ, không bắt buộc, nhưng gợi ý và truyền cảm hứng để người chơi tham gia vào công cuộc tìm kiếm “lũ trẻ đáng yêu” này một cách vô cùng say mê tương tự như cách người chơi Genshin Impact say mê đi tìm kiếm Phong-Nham-Lôi thần đồng vậy! À, dĩ nhiên là đám Rott cũng có rất nhiều tác dụng, hơn xa mấy cái thần đồng trong Genshin nhé! Ví dụ như sửa cầu này, ném đòn bẩy này, dọn dẹp các khu vực bóng tối này, khử độc cho cảnh quan này, hay thậm chí trong nhiều trường hợp, chúng còn hỗ trợ cho bạn trong các cuộc chiến khó khăn nữa! Nhưng tất nhiên, đám nhóc đó nhát lắm! Nên bạn phải đánh cho đối thủ tả tơi trước mới có thể “kích thích lòng dũng cảm” của chúng được!
Tuy nhiên, bất kể sự cute đến từ đám Rott và đồ hoạ hoạt hình xinh tươi quá đỗi, Kena and Bridge Of Spirits thực sự là một câu chuyện hoàn toàn nghiêm túc, thậm chí có phần đen tối với những thảm hoạ chực chờ phá huỷ thế giới, những con boss thực sự đáng sợ và những thử thách cam gỗ không khác gì các bom tấn AAA khác như God of War hay Horizon…
Đấy là khen.
Còn dưới đây là những điều có thể khiến bạn thất vọng từ Kena and Bridge of Spirits
Một là, với quy mô nhỏ bé và tham vọng “trau chuốt đến từng phút” của nhà sản xuất, cốt truyện của Kena thực sự hơi ngắn! Thời gia chơi trung bình để hoàn tất con game này chỉ rơi đâu đó tầm 10 đến 15 tiếng. Khoan! Tôi giải thích một chút! Tôi hiểu rằng đa số các con game thế giới mở khác thường cũng chỉ rơi vào 10-20 tiếng, nhưng đó là nói tới cốt truyện chính mà thôi! Còn sau đó bạn có chơi tới cả năm cũng chưa chắc hết content. Nhưng Kena không được như thế! Bản thân con game giống như một sản phẩm lai tạo giữa game thế giới mở và game tuyến tính, bạn không có nhiều việc để làm ngoài cốt truyện, nên con số 15 tiếng này có thể là TỔNG THỜI GIAN CHƠI chứ không phải là thời gian chơi cốt truyện như bình thường nữa. Dĩ nhiên nó là ưu điểm (như đã nói ở trên), nhưng nó cũng là khuyết điểm. Vì giả như tôi muốn rong chơi trong thế giới này lâu hơn thì sao? Không lẽ tôi chỉ đi loanh quanh chụp ảnh và nghe nhạc thôi sao?
Nói đến đây thì chắc nhiều bạn đọc sẽ nghĩ đến Genshin Impact! Con game này có thể nói là cực kỳ thú vị về mặt nội dung! Khi mà cốt truyện chính của Genshin thực chất chỉ tương đối ngắn ngọn là chuyện nhà lữ hành phiêu lưu qua 7 vương quốc, mỗi vương quốc lại có một câu chuyện riêng, để hướng đến mục đích là tìm em gái/anh trai, thì hệ thống nhiệm vụ – cốt truyện thế giới lại rộng lớn và đa dạng vô cùng! Từ hệ thống nhiệm vụ ma thần cho đến “Mây xưa có Li”, “Chín trụ cứu thế”, “Vật trong núi”, hay cả những mẩu chuyện nhỏ tí xíu từ các cuộc trò chuyện của NPC… Tất cả đều không ngừng mang đến những trải nghiệm thú vị về một thế giới hoàn toàn sống động mà nhân vật chính thực ra cũng chỉ là một phần bé nhỏ trong đó. Dĩ nhiên là ta không nên so sánh độ dày giữa một studio non trẻ như Emberlab với một công ty tỷ đô như Mihoyo rồi! Tuy nhiên đó vẫn là một con đường thú vị mà Kena có thể thử trong các bản DLC, hoặc phần kế tiếp, để trải nghiệm của người chơi trở nên toàn diện hơn, sâu sắc hơn, và dĩ nhiên, là để thế giới trong Kena trở nên rộng lớn và hấp dẫn hơn trong tương lai nữa!
Thứ hai, mặc dù đã tăng được kha khá trải nghiệm người chơi bằng cách gắn họ với chuỗi nhiệm vụ chính tuyến (và được nhận nhiều phản hồi khá tích cực), nhưng cốt truyện của Kena and Bridge Of Spirits nói chung vẫn còn khá nghèo nàn. Bạn sẽ vào vai cô bé Kena, một Spirit Guide với nhiệm vụ chính là dẫn lối cho các linh hồn trở về nơi an nghỉ. Câu chuyện bắt đầu khi Kena đến một ngôi làng bị bỏ hoang trên núi, nơi đang xảy ra một thảm hoạ bí ẩn làm thay đổi hoàn toàn mọi chu kỳ cuộc sống. Và nhiệm vụ của Kena là tìm hiểu những gì đang xảy ra và mang lại bình yên cho những linh hồn đang lo lắng nơi đây. Cơ bản là vậy! Nhưng bất chấp việc cố gắng dàn dựng những cuộc hội thoại cho thực tế hơn, những biểu cảm cho sống động hơn, thì về bản chất, cốt truyện của Kena vẫn khá là bằng phẳng và đơn giản từ đầu đến cuối. Và bạn biết đấy, phải chi có 1 cái plot twist nào đấy, thì chắc chắn là hành trình của Kena sẽ thú vị hơn nhiều lần!
Thứ ba là hệ thống combat vẫn hơi… phèn! Bạn có 1 chiêu đánh thường, 1 chiêu trọng kích, có thể bắn cung và nhảy né như Aloy trong Horizon. Ngoài ra thì lũ Rott cũng sẽ giúp bạn vài thứ nữa. Nhưng như thế thì quả thật hơi ít, nhất là khi bản chất gameplay của game này vẫn là game hành động chặt chém. Giá như game này có một combo được tạo thành bằng số lượng đòn đánh nhất định như Genshin, hay học thêm một vài skill độc đáo nào đó như Zelda, thì hẳn phần chiến đấu sẽ thú vị hơn rất nhiều.
Dù sao thì bất chấp những điểm chưa quá xuất sắc ở phía trên, Kena and Bridge Of Spirits vẫn là một con game cực kỳ đáng chơi ở thời điểm hiện tại! Nhất là với mức giá chỉ rơi vào khoảng 400 nghìn VNĐ (từ Epic Store) cho bước chân đầu tiên của bạn để dấn thân trở thành một fan mới của tựa game đang hết sức triển vọng sẽ mở rộng trong tương lai này.