Đánh giá: eFootball PES 2022 – Đỉnh cao và vực sâu

Đánh giá: eFootball PES 2022 - Đỉnh cao và vực sâu

eFootball PES 2022 đã chính thức ra mắt miễn phí từ ngày hôm qua (30/09/2021) và ngay lập tức nhận một cơn mưa gạch đá từ phía cộng đồng trên khắp các mặt trận. Nhưng liệu phiên bản mới nhất của dòng game bóng đá từng khơi dậy đam mê cho hàng triệu người chơi trên toàn thế giới có tệ như những lời đồn thổi trên mạng?

Đánh giá: eFootball PES 2022 - Đỉnh cao và vực sâu

Tôi cũng nói trước rằng, mặc dù đã tiếp xúc với PES từ phiên bản 2006 nên có một chút suy nghĩ thiên vị cho PES nhiều hơn FIFA, nhưng bản thân tôi vẫn chơi FIFA nhiều hơn, do FIFA có nhiều bạn hơn, và đối với tôi, PES là phải chơi trên playstation thay vì PC. Vậy nên những đánh giá bên dưới đây của tôi không bắt nguồn từ fan của PES (và cũng không phải fan của FIFA luôn). Tôi chỉ là một người thích chơi game bóng đá bình thường, và game này trải nghiệm tốt thì tôi chơi.

Chính vì tâm thế này, tôi tiếp cận eFootball PES 2022 một cách không thể thoải mái! Tôi chưa thực sự hài lòng với FIFA vì chất lượng bình thường, chi phí đắt đỏ và một đội ngũ fan “nổ” to hơn cả pháo tết, vậy nên tôi tìm sang PES, một nền tảng miễn phí, và được giới thiệu là sẽ có thể cross-platform (chơi game đa nền tảng) trong tương lai. Dĩ nhiên một mục đích nhỏ khác nữa là để review lên 5ATM, nhưng yếu tố đó nhỏ thôi.

Đánh giá: eFootball PES 2022 - Đỉnh cao và vực sâu

Thứ cảm giác đầu tiên mà tôi chạm phải khi chơi trên PS4 chính là, con game này được xây dựng khá tốt đấy chứ! Mặc dù các texture bên ngoài có hơi màu mè một chút, nhưng mọi thứ vẫn trông khá ổn: Menu gọn gàng, bố cục tối giản hiện đại, và nhạc nền cũng khá ổn. Trong giai đoạn này, chúng ta vẫn sẽ chưa thể tiếp cận ngay với những tính năng truyền thống như Master League, vậy nên cũng chưa biết cách sắp xếp này liệu có thông minh hơn truyền thống hay là không. Nhưng ấn tượng về sự đơn giản giai đoạn này cũng vẫn là một điểm cộng quan trọng.

Nói một cách vắn tắt, eFootball PES 2022 là một con game có thể thực sự mang đến những trải nghiệm về một trận bóng đá vô cùng chân thực vượt xa tất cả các phiên bản khác trong quá khứ, ít nhất là trên nền tảng console  như PS4 và PS5! Khác xa với những lời chửi bới trên các trang review sớm, chơi bóng đá trong eFootball PES 2022 thực sự rất cuốn! Sân đấu không quá đa dạng (chỉ một ít SVĐ nổi tiếng) nhưng khán đài, mặt cỏ, đường Pitch, cũng như ánh sáng đều tuyệt đẹp. Nhịp điệu trận đấu cực tốt đến mức lúc nào cũng khiến chúng tôi ngỡ ngàng chê ngắn, dù là chơi 5 phút khi co.op hay 10 phút đá online. Đó là còn chưa kể đến những điểm thú vị khác đến từ chuyển động cầu thủ, cảm giác chân thực trong các tình huống bóng chết, và cả âm thanh trong trận đấu nữa!

Đánh giá: eFootball PES 2022 - Đỉnh cao và vực sâu

Nói một chút về chuyển động cầu thủ nhé! Trước đây khi chơi PES, điều tôi ghét nhất chính là, họ tạo ra dáng chạy không khác gì các “cầu thủ lưng gù” với cái bướu thật to ở sau vai. Chính vì đó mà mặc dù dáng chạy về cơ bản là rất đa dạng (và đã cố gắng mô phỏng kỹ lưỡng phong cách chạy của cầu thủ ngoài đời), nhưng vẫn khiến người ta cảm giác… bần bần. Không sang được như FIFA (dù FIFA hình như không hề mô phỏng cách chạy đặc trưng của từng cầu thủ, người Hàn, về cơ bản không kỹ tính như người Nhật).

Sang đến phiên bản này, có lẽ là nhờ công của Unreal Engine, Konami cũng đã hoàn toàn khắc phục được vấn đề đã đeo bám họ suốt một thập kỷ này! Và nhờ đó, trải nghiệm chuyển động nhân vật của eFootball 2022 là cực kỳ tốt với mức độ chi tiết cực kỳ cao không khác gì bất kỳ một con game thiên về hành động nào!

Đánh giá: eFootball PES 2022 - Đỉnh cao và vực sâu

Nếu bạn đã từng đọc bài viết của tôi về FIFA 22, chắc chắn bạn cũng biết rằng, cầu thủ trong FIFA lúc nào cũng thô cứng như robot phải không? Và mặc dù hypermotion đã giúp EA cải thiện kha khá về vấn đề này,  nhưng xét ra, PES vẫn luôn làm tốt hơn đối thủ về phương diện này.

Một thứ có thể khiến những người yêu thích chi tiết như tôi phải cực kỳ hài lòng ở eFootball PES 2022 chính là, lần đầu tiên trong lịch sử, một tựa game bóng đá lại cho tôi cảm giác chân thực đến thế về những tình huống bóng chết.

Đánh giá: eFootball PES 2022 - Đỉnh cao và vực sâu

Khi bóng ra biên, thông thường mọi con game đều sẽ có hoạt cảnh cầu thủ chạy ra nhặt bóng, sau đó đồng hồ đếm giờ tạm ngưng, rồi cắt cảnh cái rụp, chuyển sang đoạn anh ta đang cầm bóng chuẩn bị ném vào. Một số con game mới hơn thì vẫn có hoạt cảnh nhặt bóng, nhưng bạn vẫn có thể nhấn bỏ qua để bắt đầu lại nhanh hơn, và đồng hồ trận đấu vẫn sẽ tạm ngừng cho đến khi ném biên.

eFootball PES 2022 thì không như thế! Khi bóng lăn ra biên, thời gian vẫn chạy bình thường như đó vẫn đang là một phần của trận đấu, và cầu thủ buộc sẽ phải tự mình ra nhặt bóng ném vào. Và giống như bất kỳ một trận đấu ngoài đời nào, đồng hồ bấm giờ vẫn chạy, bạn không thể bỏ qua.

Đánh giá: eFootball PES 2022 - Đỉnh cao và vực sâu

Khi bóng lăn hết đường biên cuối sân cũng vậy. Bất kể là một tình huống phạt góc, hay là thủ môn phát bóng lên, cầu thủ cũng phải nhặt bóng đặt vào vị trí mà không có bất kỳ cách bỏ qua nào. Đó là chưa kể, nhiều anh thủ môn hoặc cầu thủ ném biên còn “chơi chiêu” một chút để có vị trí phát bóng (hoặc ném bóng) thuận lợi hơn.

Điều này có thể khiến nhiều người chơi thuộc “hệ skip” khó chịu, nhưng lại rõ ràng là một bước tiến đáng kể để khiến eFootball 2022 trở nên “người” hơn, tức là chân thực hơn, gần với bóng đá ngoài đời hơn, và theo tôi, là khiến con game này thú vị hơn nhiều so với các phiên bản trước.

Chế độ chơi online của eFootball cũng rất khá. Suốt từ khi chơi bản demo (hình như là từ hồi tháng 7 hay tháng 8 gì đấy) cho đến khi ra mắt chính thức, tôi gần như không gặp trường hợp giật lag gì (có thể do may mắn) ở server Singapore. Bạn biết đấy, PSN họ không có server Việt Nam.

Đánh giá: eFootball PES 2022 - Đỉnh cao và vực sâu

Cross-platform sẽ ra mắt vào cuối năm nay cũng sẽ là một ưu điểm nổi bật của eFootball trong khi so sánh với FIFA nói riêng, và các game bóng đá khác nói chung. Dù sao thì trong suốt chiều dài lịch sử của mình, tất cả những tựa game bóng đá đều không có khả năng chơi chung trên nhiều hệ máy khác nhau. Hệ quả là nếu bạn chơi PS4, bạn sẽ không thể đá cùng với PC hay Xbox, hoặc thậm chí là Switch và Mobile. Điều này từng gây rất nhiều ức chế cho mọi người, nhất là đối với những hệ máy có cộng đồng chơi game bóng đá nhỏ như Switch. Tất nhiên tôi hiểu rằng có rất nhiều hạn chế khiến cho việc để các hệ máy chơi cùng nhau là cực kỳ khó khăn. Nhưng chính vì khó, nên nỗ lực cross-platform mới càng được ghi nhận

Dĩ nhiên là còn cần một thời gian nữa thì eFootball mới hoàn thiện được tính năng này. Thế nhưng riêng ý định tiên phong trong việc gộp chung server các hệ máy lại đã là một điều hết sức đáng hoan nghênh rồi!

Đánh giá: eFootball PES 2022 - Đỉnh cao và vực sâu

Nghe khen đã tai rồi đúng không? Giờ là tới đoạn chê nè!

Thực sự thì ngoài những ưu điểm về việc cung cấp những trải nghiệm chơi bóng đá tuyệt vời cho từng trận đấu trên Console, mà cụ thể là PS4 và PS5, và ý tưởng cross-platform ra, thì những vấn đề khác của eFootball PES 2022 đều phải nói là quá tệ!

Thứ nhất, bạn có biết vì sao con game này nhận đến 92% đánh giá tiêu cực trên Steam ngay trong ngày đầu tiên ra mắt không? Đó là vì trải nghiệm chơi game trên PC quá tệ! eFootball 2022 có đến hàng tỷ cái bug, từ thiết kế gương mặt sơ sài đến lố bịch, một loạt các tình huống cơ thể cầu thủ bị biến dạng khi di chuyển, tranh chấp, hoặc… ăn mừng bàn thắng, mặt sân thì xấu tệ, và tối ưu quá kém khiến những chiếc card màn hình tốt nhất cũng không thể hoạt động tốt.

Đánh giá: eFootball PES 2022 - Đỉnh cao và vực sâu

Nghe có vẻ kỳ lạ đúng không? Khi chơi thử khoảng 10 trận đầu tiên trên PS4, tôi tin rằng PES 22 sẽ rất thành công vì mang lại những trải nghiệm không thể thoả mãn hơn. Nhưng khi mượn account stream để chơi trên máy tính, tôi suýt chút nữa đã phải mua máy mới chỉ vì tức giận.

Sự tồi tệ của trải nghiệm trên PC còn nghiêm trọng đến mức tôi cảm thấy bị xúc phạm và gần như quên khuấy mất rằng mình đã từng chơi rất vui trên Console cách đó vài tiếng.

Điểm tồi tệ thứ hai chính là việc xào nấu lại những tính năng mang đặc trưng của FIFA, trong đó nổi bật nhất là cách điều khiển phòng thủ và tắc bóng. À, thực ra điều này cũng không lấy gì làm tệ nếu bạn là một người chơi bình thường. Dù sao thì nếu đa số mọi người quen với FIFA thì điều này sẽ giúp họ dễ tiếp cận PES hơn. Nhưng đối với fan của PES thì động thái này chẳng khác gì phản bội. Họ đã mất cả 2 thập kỷ để “def” cho PES, và giờ đây chính PES lại thừa nhận bản thân kém cỏi hơn FIFA (thông qua việc từ bỏ truyền thống để học tập đối thủ). À mà thôi! Cái này thì quên đi! Chúng ta đâu phải fan đâu mà phải lo chuyện đó! Cái nào tiện thì chơi thôi!

Cũng nói tiếp về vụ chiến thuật, cái bảng sơ đồ thi đấu mới của eFootball PES 2022 đúng thật là thảm hoạ! Tôi không thấy việc đặt sơ đồ nằm ngang (thay vì nằm dọc như thông thường) có một tí ưu điểm nào ngoại trừ việc… ngăn tôi điều chỉnh vì sợ phiền phức. Thậm chí phải đến vài phút đồng hồ sau tôi mới biết là: À thì ra kéo cầu thủ xuống dưới thật qua thật nhiều bước thì sẽ nhìn thấy danh sách dự bị.

Để làm gì vậy? Tôi thực sự muốn đặt câu hỏi: Designer làm cái sơ đồ chiến thuật ngu ngốc này, anh ta có biết bóng đá là cái của nợ gì hay không?

Cuối cùng là PES có quá ít các chế độ chơi, cũng quá ít các đội có thể sử dụng.

Tôi hiểu là FIFA đang có bản quyền hầu như mọi thứ, còn PES thì chỉ có thể ký đơn lẻ với một số đội bóng, và thực tế là đôi khi bạn chả bao giờ đụng đến những đội bóng vô danh như Oxford City, hay những cầu thủ chỉ số 4x vô danh đến mức… các game bóng đá đều không thèm làm mặt riêng. Nhưng con số 9 đội dùng để đá co.op, và thêm vài chục cái tên khác khi đá online thì hình như vẫn là hơi ít đúng không? Nếu tôi muốn xách 2 cái tay cầm ra đá cùng bạn bè trên PS5 như “truyền thống” thì làm thế nào? Quanh đi quẩn lại những Barcelona, Man United, Bayern Munich (hoặc vài cái tên khác). Có thế thôi à? Man City, Real Madrid, AC Milan, hay CLB yêu thích Leicester City của tôi đâu? Và rồi các chế độ thú vị như Master League, Become a Legend… của tôi đâu?

Nói đến đây chắc hẳn có nhiều người sẽ phàn nàn rằng, định hướng của eFootball trong tương lai sẽ là một con game mang yếu tố online rất nhiều. Vì thế các chế độ offline bị bỏ bớt cũng là điều hiển nhiên…

Khoan! Định hướng online như FUT hay FO4 là chuyện của mấy người! Nhưng nếu chỉ chăm chăm vào yếu tố online, vậy thì những người yêu thích Become a Legend hay Master League sẽ vứt đi đâu? Họ là những người đã mua sản phẩm của bạn nhiều năm trời để trải nghiệm thể loại yêu thích, và cũng là những người chơi trung thành nhất, mang lại nguồn tài chính dồi dào ổn định nhất cho PES. Konami sẽ vất toàn bộ vào sọt rác để chạy theo những người yêu thích FIFA sao?

Tuy nhiên nói thì nói như vậy, chứ thực tế thì, với định hướng của eFootball là một con game bóng đá miễn phí chất lượng cao, và có thể chơi đa nền tảng, đồng thời sẽ liên tục cập nhật để cải thiện mình theo một lộ trình hoàn chỉnh được vạch ra chi tiết từ Konami, chúng ta vẫn có đầy đủ những cơ sở để tin rằng, con game này mặc dù khá tệ trong ngày ra mắt, nhưng sẽ dần dần tốt hơn lên, và dần dần khắc phục các bug, tăng cường trải nghiệm cho người chơi, cũng như bổ sung thêm các tính năng quan trọng như chúng ta kỳ vọng trong tương lai. Và có lẽ chỉ vài tháng nữa thôi, người đời thậm chí sẽ nhìn về eFootball bằng một con mắt hoàn toàn khác cũng không chừng.

Đấy! Hi vọng tương lai sẽ như thế, còn bây giờ thì tôi vẫn sẽ chấm điểm dựa trên chất lượng hiện tại: Trải nghiệm 6/10 đối với Console, và 4/10 với PC. Vậy thì điểm 5ATM của nó sẽ thế này.

Đánh giá từ 5ATM

eFootball 2022
5 10 0 1
Những trải nghiệm thú vị trên PS4 không thể kéo lại cảm giác hụt hẫng khi chơi trên PC. Hơn nữa tính năng cross-platform vẫn chưa ra mắt nên chẳng có thêm được điểm nào cho dự định đáng khen ngợi này. Konami còn phải làm rất nhiều!
Những trải nghiệm thú vị trên PS4 không thể kéo lại cảm giác hụt hẫng khi chơi trên PC. Hơn nữa tính năng cross-platform vẫn chưa ra mắt nên chẳng có thêm được điểm nào cho dự định đáng khen ngợi này. Konami còn phải làm rất nhiều!
5/10
Total Score

Ưu điểm

  • Trải nghiệm đá bóng trên Console rất tuyệt
  • Có thể cross-platform trong tương lai gần
  • Miễn phí

Khuyết điểm

  • Đồ hoạ bị hạ thấp để phù hợp với nhiều hệ máy
  • Nhiều lỗi hình ảnh nghiêm trọng trên PC
  • Số lượng đội bóng/cầu thủ
  • Chưa cập nhật các chế độ chơi
Total
0
Shares
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Previous Post
Đánh giá: Tales of Arise - Siêu phẩm JRPG hay nhất lịch sử?

Đánh giá: Tales of Arise – Siêu phẩm JRPG hay nhất lịch sử?

Next Post
Máy yếu chơi gì: The Elder Scrolls V: Skyrim - Kiệt tác RPG

Máy yếu chơi gì: The Elder Scrolls V: Skyrim – Kiệt tác RPG

Related Posts