Ngày nay, danh tiếng của Dark Souls đã vượt xa phạm trù một tựa game.
Nếu bạn là một người từng say mê game nhập vai (dĩ nhiên là phải biết nhiều hơn ngoài những tựa game MMORPG như Võ lâm Truyền kỳ, MU hay Con đường Tơ lụa…), cái tên Dark Souls chắc chắn không còn xa lạ gì nữa! Nói sao nhỉ? Nó vừa là một kỷ niệm vô cùng phấn khích về một trong những trải nghiệm chơi game tuyệt vời nhất cuộc đời “game thủ”, vừa là sự ám ảnh kinh hoàng về độ khó đến vô lý (đâu phải tự nhiên Dark Souls được xem là một trong những con game khó nhất lịch sử). Dark Souls có thể không phải là một tự game giải trí dành cho tất cả mọi người (kiểu như Tetrix, Super Mario, hay Pokemon Go chẳng hạn), nhưng “một khi đã kết là dính không ngần ngại”.
Đâu phải tự nhiên mà từ khi Dark Souls ra đời, thế giới bắt đầu sinh ra một thể loại game hoàn toàn mới “ăn theo” sự thành công của nó (gọi là Soul-like) đâu!
Còn nếu bạn không phải là một tín đồ của thể loại đầy ức chế này, thì tạm hiểu thế này: Dark Souls là game đã chiến thắng tất cả các huyền thoại như Legend of Zelda: Breath of the Wild, Tetrix, Super Mario và nhiều tái tên bất tử khác để trở thành “Trò chơi xuất sắc nhất mọi thời đại” của The Golden Joystick Awards.
Một lưu ý nhỏ nữa là, trong bài viết này, tôi sẽ đề cập chủ yếu đến Dark Souls 2011, chứ không phải Dark Souls: Remastered ra mắt sau này. Một là bản remaster không thắng giải game hay nhất mọi thời đại. Hai là remaster cũng chẳng thay đổi bao nhiêu so với bản gốc, nên tôi sẽ chú thích một chút ở phần bonus cuối bài viết mà thôi! Tránh làm phiền đến huyền thoại của chúng ta. Nào! Bắt đầu thôi!
Có một lời khẳng định không hề khoa dụ rằng, Dark Souls sở hữu tất cả những ưu điểm tuyệt vời nhất mà lịch sử game từng sở hữu (cho đến năm 2011, và trừ việc nó… không miễn phí. Haha). Theo nhiều cách khác nhau, nó có đầy đủ cơ sở để “càn quét” cảm giác nhàm chán đầy thất vọng của đa số các game thủ, nhất là trong tình trạng game rác tràn lan, còn những tựa game được đánh giá là chất lượng thì lại thiếu đổi mới đến mức chẳng khác gì nhân bản vô tính. À! ý tôi là hồi những năm 2010-2011 cơ!
Nhưng mà hình như mấy tháng gần đây cũng chẳng khác là mấy. Hình như game cũng có chu kỳ 10 năm như kinh tế thế giới thì phải.

Thậm chí, tính đến tận ngày nay, dù đã trải qua hơn 1 thập kỷ kể từ ngày ra mắt, Dark Souls vẫn được xem là nguồn cảm hứng lớn lao cho sự phát triển của ngành công nghiệp game nói chung, và các tựa game nhập vai nói riêng. Theo đó, bạn sẽ phải tập luyện, chiến đấu, “try-hard” cật lực vì mục tiêu và phần thưởng của mình. Cố gắng đến cật lực đến mức đôi khi bạn có thể hiểu nhầm rằng cơ chế trò chơi dường như chỉ đang muốn “hành hạ” bạn, thay vì để bạn “giải trí” như bao nhiêu tựa game khác, và kết quả là, chiến thắng cuối cùng ở phần sau của trò chơi thì chẳng khác nào một câu đùa cợt nổi tiếng ở thập niên 20 thế kỷ 21:
Phần thưởng lớn nhất chính là cuộc hành trình của bạn ở thế giới này
Điều thú vị là, nếu bạn “phá đảo” Dark Souls, bạn sẽ thấm thía đến mức hiểu rằng, thì ra câu “đùa cợt” đó lại không thể nghiêm túc và chính xác hơn. Một hành trình tuyệt vời!
Có thể nói, Dark Souls là một minh chứng hết sức rõ ràng cho việc một tựa game có cốt truyện không đặc sắc vẫn có thể khiến người chơi phải dõi theo say mệ đến như thế nào.
Bạn nhập vai vào một thế giới đang suy vong còn undead thì lan tràn khắp mọi nơi… À! Thực ra thì bản thân bạn cũng là một undead, nhưng là undead lãnh trên vai trách nhiệm giải cứu thế giới, nên gọi là Chosen Undead (Xác sống được chọn/định mệnh). Và toàn bộ câu chuyện còn lại đơn giản là hành trình của bạn (vượt qua các thử thách chém giết) để tìm đến và thắp lại ngọn lửa thế giới đang tàn lụi.
Thế nhưng mặc dù dựa trên cốt truyện vô cùng “tiêu chuẩn” cũ kỹ tưởng như nhàm chán đó, trải nghiệm chơi game với Dark Souls lại vô cùng tuyệt vời. Không có những đoạn cắt cảnh (như 99,99% các tựa game còn lại trên thế giới), cũng không có hệ thống light novel – manga – anime chống lưng, Dark Souls buộc người chơi phải “lần mò trong bóng tối”, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, để tự mình khám phá ra bí mật của thế giới từ vô số chi tiết nhỏ nằm rải rác khắp cuộc hành trình. Thứ mà giới trẻ ngày nay gọi là các easter eggs để mở ra lore game.
Nói về chuyện này, Dragon’s Blood của Dota 2 (dù là phim) cũng phải vái Dark Souls bằng cụ. Không phải vấn đề tuổi tác, mà là vấn đề trình độ.
Lối kể chuyện độc đáo và vô cùng thú vị của Dark Souls chính là một trong những lý do quan trọng nhất khiến cho bạn có thể tự tin mà khẳng định rằng: Đa phần người chơi (và là fan) không chơi Dark Souls vì cốt truyện. Thế nhưng nếu như chỉ có lối kể chuyện, thì Dark Souls đã chẳng được xem là tựa game hay nhất đủ sức quyến rũ cả những chuyên gia nổi tiếng khắc khe về game, lẫn cộng đồng người chơi vô cùng đông đảo luôn sẵn sàng chơi đi chơi lại hàng trăm lần không chán.
Thực ra thì khi bạn chơi một con game tầm chục lần, thì dù câu chuyện của nó thể nào, bạn cũng thuộc lòng như cháo chảy, thuộc còn hơn cả những lời khuyên răn dựng vợ gả chồng của ba mẹ bạn mỗi bữa cơm nữa. Và lý do duy nhất bạn chưa cảm thấy chán game là vì cách chơi của nó cực kỳ thu hút bạn.
Con Dark Souls này chính là kiểu như vậy.
Tôi cũng nói thẳng ra là, tựa game này, hay thậm chí là nguyên cả thể loại game “ăn theo” nó là Soul-like nữa, không phải là một trò chơi dành cho tất cả mọi người! Bạn nên cẩn thận! Giống như tất cả các trang tạp chí, các bài review, và những nhận xét từ cộng đồng khác từng cảnh báo: Con game cực khó! Khó đến mức có thể khiến bạn tự tay làm hỏng chiếc console của mình vì nó.
Thử tưởng tượng xem có con game nào thế này chưa: Bạn vào game chơi. Chết (game quá khó mà). Toàn bộ tài nguyên của bạn cày suốt 30 phút mất sạch. Bạn chơi lại từ checkpoint (may quá, con game này vẫn chưa đến mức không có checkpoint), nhưng phải cày lại gần như từ đầu. Sau đó bạn chết tiếp. Rồi lại phải cày lại từ đầu…
Đôi khi bạn mất đến 4-5 tiếng của cuộc đời mà chẳng làm được cái quái gì.
Bạn nghĩ đúng rồi đó! Là Flappy Bird.
Con Dark Souls này nó cũng y như vậy. Có điều là, không giống như Flappy Bird, bạn có thể phát triển nhân vật theo nhiều hướng khác nhau, đi đến nơi nào bạn thích, và làm những gì bạn muốn (dù đôi khi nó cũng chỉ mang đến cùng một kết cục).
Thế nhưng trái ngược với cảm giác thù hằn và ức chế khi chơi những tựa game tuyệt vọng như Flappy Bird, tựa game này gần như không tạo ra ác cảm từ những người yêu quý nó. Nhiều người đã nhận ra rằng, bản thân độ khó của tựa game là hoàn toàn bình thường. Chỉ đơn giản là nó yêu cầu rất cao về mức độ tập trung, cũng như sự cần mẫn mà thôi! Đúng là hầu hết các đối thủ đều có thể đưa bạn “lên bảng” với chỉ 1 đòn tấn công duy nhất thật! Nhưng ngược lại, bạn cũng có thể đánh bại chúng tương đối dễ dàng nếu bạn tập trung cao độ vào trò chơi, cũng như có chút khả năng ứng biến thông minh trước các tình huống.
Sẵn tiện nói tới độ khó của game thì phải nói luôn tới thứ gọi là Souls (linh hồn) – đơn vị tiền tệ và hơn thế nữa.
Nói Souls là tiền tệ trong Dark Souls thì cũng đúng! Bạn cần Souls để mua trang bị, nâng cấp vũ khí, ép thuộc tính cho vũ khí, nâng cấp giáp và sửa chữa trang bị… Hầu như thứ gì bạn có thể mua được trong game thì cũng đều cần Souls cả!
Nhưng Souls còn hơn cả tiền! Bởi vì đến chuyện nâng cấp nhân vật cũng cần Souls. Và, nếu bạn không phải là một người theo chủ nghĩa thực dụng, bạn sẽ lần đầu tiên cảm nhận thấy cảm giác mất tất cả Souls trong tay chỉ sau một lần ngã xuống nó cay đắng đến cỡ nào.
Nhiều người rất đau đớn khi mất tiền, nhưng nhiều người khác thì không như vậy. Có điều khi chơi Dark Souls, tất cả bọn họ đều đau đớn như nhau khi mất Souls. Thế mới nói Souls còn hơn cả tiền.
Vậy thì khi mà con game này dễ chết chả kém gì Flappy Bird, đồng thời mỗi lần chết là mất sạch Souls, vậy lúc mất hết Souls thì phải làm thế nào?
Game vẫn chưa tuyệt tình đến mức xóa sạch Souls của bạn ngay khi bạn ngã xuống. Bạn vẫn có thể tìm lại hết bằng cách quay lại đúng nơi mình ngã xuống để “nhặt lại” (giống như Don’t Stave, hoặc Minecraft nếu bạn đã từng chơi). Có điều nếu bạn tiếp tục ngã xuống trước khi nhặt lại (mà điều đó rất thường xảy ra, vì đám quái cũ sẽ hồi sinh toàn bộ), đống Souls đó sẽ về với cát bụi.
Gameplay của Dark Souls cũng hết sức tuyệt vời! Một con game hành động nhập vai hoàn chỉnh ở góc nhìn thứ ba (và như các tựa game góc nhìn thứ 3 khác, nó dễ tiếp cận, thú vị, linh hoạt và… ít chóng mặt hơn rất nhiều so với góc nhìn thứ nhất) Bạn có thể phát triển nhân vật theo bất cứ hướng nào mình thích. Hệ thống vũ khí trung cổ rất đa dạng, từ cận chiến cho đến tầm xa. Lối đánh và sử dụng kỹ năng cũng đẹp mắt và hấp dẫn không kém gì các tựa game hiện đại. Và đặc biệt là, khi chơi con game này, bạn không cần phải nhớ nằm lòng các bộ combo như các tựa game chiến đấu khác. Tất cả đều sẽ phụ thuộc vào chính các bước di chuyển của riêng bạn (tôi vẫn còn nhớ mình đã phát rầu tới thế nào khi lần mò combo trong ngày đầu tiên chơi Dragon Ball Budokai Tenkaichi 3).
Nói tiếp về chuyện chiến đấu, nếu như bạn đã từng chơi qua Legend of Zelda: Breath of the Wild, hay Genshin Impact, hẳn cũng sẽ không lạ lùng gì với cái thanh thể lực “đáng ghét” mỗi khi leo trèo, chạy nhanh, hay bơi, đúng không?
Dark Souls cũng có thanh thể lực như thế. Có điều nó “đáng ghét” hơn ở chỗ, bay, nhảy, chạy, bơi tốn thể lực đã đành, đến chuyện ra đòn đánh, hay đỡ chiêu cũng hao thể lực luôn!
Tức là nếu bạn vung rìu (hoặc thứ vũ khí gì đó tùy bạn) hơi nhiều đến mức cạn thể lực, bạn chỉ còn đường đứng ngó mấy con quái hành hạ mình cho đến khi hồi sức. Hoặc tệ hơn, bạn đỡ đòn của chúng nó hơi lâu mà chưa đánh được phát nào, thì khi hết thể lực, bạn sẽ chỉ còn đường chờ chết.
Chua nhỉ?
Đọc đến đây, có nhiều người hẳn sẽ phản hồi lại tôi rằng: Chơi một con game “khổ râm” như thế để làm gì? Game là để giải trí. Tại sao không tìm đến một con game mang tính giải trí hơn?
Như Liên minh Huyền thoại, tựa game 9vs1 trá hình 5vs5 với vô số tình huống tranh lane, feed, afk, toxic cực nặng?
Hay như Genshin Impact, Gunny, FUT… hoặc một tựa game nào đó chỉ vui trước khi có kết quả Gacha – nâng cấp?
Thực ra thì thế giới game đã thực sự thoát thai khỏi hai chữ “giải trí” cũng khá xa rồi! Giờ đây, đôi khi game cũng vẫn có thể khiến bạn giải trí, nhưng phần nhiều còn lại sẽ khiến bạn phải suy ngẫm về thế giới chẳng khác gì bất kỳ một nghệ thuật nào khác (như văn chương, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, sân khấu & điện ảnh).
Nếu như say đắm Lalaland (một bộ phim), Tiếng chim hót trong bụi mận gai (một tác phẩm văn chương), Endless Love (một bản nhạc)… đều là những say đắm mỹ cảm nghệ thuật, thì say đắm Legend of Zelda chẳng có lý do gì lại không phải một mỹ cảm nghệ thuật cả!
Và nhìn theo hướng đó, các tựa game như Dark Souls hoàn toàn có quyền để mang đến cho bạn những mỹ cảm nghệ thuật riêng bằng cách tạo ra một thế giới, một câu chuyện, và một phương thức vận hành đặc thù. Bạn có thể lao vào những hầm ngục với đầy rẫy hiểm nguy nhưng bao la kho báu. Bạn có thể chết đi, mất hết tất cả, để rồi nhận ra nhiều tiếng đồng hồ của mình trôi qua như bọt nước. Bạn có thể chào đón cả những người chơi khác, để rồi hoặc họ sẽ giúp đỡ, hoặc quay ngược mũi giáo tiêu diệt bạn để chiếm hết số Souls trong tay bạn… Tất cả mọi thứ đều do chính bản thân bạn lựa chọn mà không chịu bất kỳ một sự ép buộc nào. Tôi không nói biên kịch, hay tác giả đã tạo ra câu chuyện trong Dark Souls là một thiên tài, nhưng tôi tin rằng, cách mà họ tạo ra không gian nghệ thuật thách thức cảm quan (hay nói rộng hơn là chân trời đón đợi của bạn) là một ý tưởng thiên tài!
Bởi vì tất cả những khó khăn trong Dark Souls, mặc dù về cơ bản là hoàn toàn không có thực (bạn làm sao có cơ hội để phiêu lưu trong một thế giới như thế, hay phải chiến đấu với những sinh vật phi thường như thế…) nhưng nó làm nổi bật lên một thứ rất thực: Đó là chính con người bạn, cũng như cách mà bạn sẽ hành động trước những khó khăn trong cuộc sống. Có người sẽ ngồi khóc bên Bonfire (checkpoint của game). Có người sẽ lao đi dù phải chết đến hàng trăm lầm. Có người chẳng gặp chút khó khăn nào nhờ kỹ năng thiên phú. Có người mòn mỏi chờ đợi người khác đến giúp (là máy, hoặc là người chơi khác). Cũng có người chỉ chăm chăm đến thế giới kẻ khác để “phá bĩnh” kẻ yếu… Ừ thì, dĩ nhiên là có rất nhiều trò chơi làm được vài yếu tố trong đó, nhưng những trò chơi ở độ khó đạt tầm Dark Souls, mọi thứ sẽ trông thực sự sắc nét. Sắc nét hơn rất nhiều so với đồ họa mong manh của năm 2011 (dù sau này có remaster lại thì cũng… rất xấu)
Nhưng khen thì khen thế thôi! Chứ Dark Souls cũng không phải là một tựa game hoàn hảo.
Điểm đầu tiên phải chê trách chính là, đồ họa của game gốc cũ kỹ lỗi thời đã đành (vì được làm từ 2011), nhưng bản remaster cũng chẳng khá khẩm hơn bao nhiêu. Không đến nỗi tệ hại như GTA Trilogy Definitive Edition, nhưng bản làm lại năm 2018 của huyền thoại Soul-like cũng không đủ đẹp mắt để hấp dẫn người chơi mới, đồng thời mang theo cả tá lỗi. Như texture và ánh sáng “ảo lòi”, nhiều “góc bug” khiến nhân vật bị thả trôi vào bóng tối, các vật liệu trông siêu giả, cả nhân vật cũng nhiều khi bị “dị dạng” chân tay nữa.
Trong bản 2011, Dark Souls thường dính một số lỗi về ra đòn, khóa đòn, né tránh, kiểu như nhào lộn bất tử, hay vũ khí chưa vung ra đã gây sát thương… Đến bản remaster 2018 thì mặc dù có sửa lại, nhưng lại vướng thêm vài lỗi nhỏ kiểu như dịch chuyển… nhầm Bonfire sang một khu vực có khi bạn còn chưa từng đặt chân đến, hay lỗi “hack camera” trước khu vực Sen’s Fortress…
Nói tóm lại, mặc dù vẫn có vô số lỗi nhỏ (cả ở bản gốc lẫn remaster), Dark Souls vẫn là một tựa game tuyệt vời cho những trải nghiệm sâu sắc bậc nhất mọi thời đại, không chỉ là từ độ khó, mà còn ở triết lý sáng tạo vô cùng độc đáo, và ý tưởng thiên tài của những người xây dựng thế giới. Bạn có thể không thích Dark Souls vì nhiều lý do, như đồ họa không hợp thời, hoặc quá u tối so với một người yêu thích cảm giác trong sáng (như tôi chẳng hạn), nhưng ngay cả như thế, thì chỉ cần một lần chơi thôi, bạn sẽ không có cách nào phủ nhận được rằng tựa game này quá sức, quá sức độc đáo đến mức chưa trải nghiệm hẳn sẽ phí cả đời game thủ.
Chắc tôi phải tìm thêm một cây bút khác để hỗ trợ thôi! Tôi vừa nhận được một công việc mới, và hình như nó hơi ngốn thời gian quá mức đến nỗi gần như không còn lúc nào để ngồi không viết lách hết. Nhưng các thông số từ Google Analytics đang chỉ ra là trang web của tôi đang đi đúng hướng với một số lượng truy cập nhất định. Ây dà…
Vậy đấy! Nên nếu như có hứng thú, đừng quên gửi email cho tôi vào email của tôi, hoặc nhắn tin thẳng trên fanpage mà tôi vừa lập: https://www.facebook.com/5ATM.Art
Tôi nghĩ là tôi đủ sức trả nhuận bút, nếu bài viết của bạn làm tôi thích.