Từ TPHCM đến Phnom Penh, không có phương án nào đơn giản mà lại thoải mái hơn giường nằm. Bạn chỉ có khoảng 260km đường bộ, tức là tương đương khoảng 7 tiếng đồng hồ tính cả các thủ tục hải quan, trong khi nếu đi máy bay, thủ tục rườm rà sẽ nuốt mất của bạn 2-3 tiếng đồng hồ, sau đó phi hành đoàn sẽ khuyến nghị bạn ngồi im dựng thẳng lưng ghế cả chuyến bay, vì chưa kịp yên vị ở trên mây đã phải lo hạ cánh. Xin chào! Tôi đã trở lại cùng nhật ký hành trình của MLBB tại SEAGames.
Tôi chọn một chuyến đi sáng, khởi hành khoảng 5h sáng cho kịp tham gia buổi diễn tập ca chiều cùng ngày. Nghe có vẻ cực nhọc, nhưng thực tế là chẳng khó khăn gì. Bạn đặt một cuốc grab, quẳng hành lý lên đó, ngủ một giấc ngắn trước khi đến nhà xe, sau đó lại ngủ thêm một giấc chính là tới đất Cam. Theo lý thuyết, tức là khoảng cỡ 11 giờ sáng, khi mặt trời ngày bình thường chỉ mới vừa mọc, ta sẽ có mặt ở nơi cần đến.
MLBB – Hành trình Seagames 32: Ngày 1Chúng tôi đến nơi thì đã là 13h30. Không khí bên ngoài khá tuyệt với một cư dân cận xích đạo như tôi, nhưng có lẽ không nhiều người nghĩ vậy.
Bến xe nằm ngay bên sườn sân vận động Olympics. Nghe nói đây từng là svđ quốc gia của Campuchia, giờ thì người Cam có sân mới xịn sò hơn nhiều rồi. Hai bên đường trải hàng dài những chiếc Tuk Tuk. Loại phương tiện nghe như tiếng gà kêu này hình như là đặc sản của người cam (và người thái), giống như xe ôm ở xứ mình. Ờ thì bên Cam họ vẫn có xe ôm, vẫn có cả grab nữa, chủ có ta là không có Tuktuk thôi.
Một điểm cũng khá giống Việt Nam nữa là, anh chàng chạy tuktuk chở tôi về khách sạn, cũng giống như mấy ông xe ôm truyền thống, tính giở trò chạy vòng vòng, chắc là để lừa kiếm thêm ít tiền boa. May mà tôi dí google map lại và bảo hắn nhầm đường. Anh ta hốt hoảng giải thích gì đó bằng tiếng Khmer, chắc ý bảo là đọc nhầm địa chỉ hay gì đó, rồi giả vờ rất lộ liễu rằng mình không biết đường. Tôi nín cười. Chắc có lẽ chỉ mới dự định lừa khách lần đầu nên da mặt còn hơi mỏng.
Mười phút sau, tôi đến Ocean Hotel, cách trung tâm tổ chức sự kiện chỉ khoảng 500m. Chị dẫn đoàn nghe tin, hỏi rằng vì sao không đặt phòng ở ngay nơi tổ chức sự kiện là Nagaworld 2 luôn, vì chị có phiếu giảm giá chỉ 50usd/đêm ở khách sạn 5 sao. Nhưng phiếu giảm giá ở đâu thì chị không nói.
Buổi chiều là thời gian của chung kết Đột kích. Tôi không phải nhóm người yêu thích fps, cộng thêm chuyện tiền đình không cho phép, nên phải đến chiều tối, tức là buổi setup của Mobile Legends Bang Bang mới xuất hiện. Anh giám đốc của Mineski Việt Nam, cũng là người quản lý vận hành chính của sự kiện lần này tại Campuchia, cười rằng sao Tốc chiến cử đến 30-40 người sang, mà em chỉ có một mình. Tôi cười không nói gì.
Ở Việt Nam, Mobile Legends Bang Bang không phải là một tựa game được yêu thích. Mặc dù sở hữu hàng triệu người chơi (chả bù với Luyện Ngục của tôi, còn chưa đến 2 nghìn), chúng tôi thường không quá thành công trong các cuộc chiến trên mạng xã hội với Liên Quân Mobile, hay thậm chí là “người nhà” là LMHT: Tốc Chiến. Các giải đấu mang quy mô toàn quốc chỉ có giải thưởng loanh quanh vài chục triệu đồng so với hàng tỷ đồng của Liên Quân, các lượt livestream, nếu không có sự hỗ trợ của các KOC như Tốp Mỡ thì thường không vượt quá 100 mắt xem trên mọi nền tảng, trong khi Đấu Trường Danh vọng có khi lên đến hàng trăm nghìn lượt xem cùng thời điểm. Vào mỗi dịp sinh nhật hay lễ tết, chúng tôi chỉ dám tặng người chơi một ít quà trong game nho nhỏ, mà còn sợ người ta phật ý, trong khi Liên Quân mở hẳn các chuỗi sự kiện mang tầm quốc gia, mời cả các nghệ sĩ ưu tú hàng đầu, mua bản quyền của format gameshow danh tiếng nhất quốc gia, và tổ chức chuỗi sự kiện rầm rộ tại hàng trăm địa điểm trên toàn đất nước. Đó là chưa kể, người chơi MLBB thậm chí còn không dám “nói thật” với bạn bè hay trên mạng xã hội là bản thân chơi MLBB vì sợ bị kỳ thị từ đa số chơi Liên Quân.
Nhưng ở Campuchia, mọi thứ lại đảo ngược hoàn toàn. Theo thống kê dân số năm 2021, Campuchia có khoảng 17 triệu người. Mỗi tháng, số người chơi MLBB tại đây là 4,5 triệu. Tức là cứ bình quân 4 người Campuchia thì có 1 người chơi MLBB bất kể tuổi tác. Nên nhớ, game là một thú vui chủ yếu dành cho lớp trẻ.
Cuộc sống quả thực có những chuyện buồn cười có thể khiến tổn thương sâu sắc đến nhân sinh quan và giá trị quan của bạn. Ở Campuchia, quốc game của họ trước đây là PUBG Mobile với khoảng 2 triệu người chơi toàn quốc. Để đạt con số này, KRAFTON và Tencent có thể nói là đã tận lực. Họ tổ chức hàng loạt các chương trình, vô số giải đấu và tiền thưởng có thể gây chóng mặt bất kỳ thị trường nào. Dĩ nhiên, 2 triệu người chơi, tức là 1/8 dân số, về lý thuyết có thể nói là đã cạn kiệt nguồn người chơi ở quốc gia này. Thế rồi covid-19 xuất hiện, người Campuchia kẹt lại trong chính ngôi nhà của mình, và Mobile Legends Bang Bang bùng nổ giữa lòng người Khmer. 4 triệu người chơi mới chỉ trong vòng 2 năm. Các gaming house mọc lên như nấm sau mưa chỉ để chơi MLBB. Nhiều đại gia trẻ tuổi ném ra đến hàng triệu đô la để nuôi team và xây dựng sân vận động dành riêng cho MLBB. Tầm ảnh hưởng của Mobile Legends đã vượt xa một tựa game.
Mà vấn đề là, Moonton, tức là nhà phát triển toàn cầu của tựa game, cũng không biết chuyện gì xảy ra.
Nếu đi làm marketing, bạn sẽ phải thường xuyên đối mặt với vấn đề này: Bạn lập kế hoạch dày dặn sâu sắc, bạn có kinh nghiệm tám mươi năm trong nghề với vô số trải nghiệm thành công. Bạn có rất nhiều tiền để hiện thực hoá trí tưởng tượng của mình. Sau đó bạn flop dập mặt. Ngược lại, có người lại thành công dù không biết một tí gì về thế giới.
Câu hỏi mà sếp đặt ra cho bạn sẽ là: Vì sao? Và đáp án của bạn luôn là “may quá”, hoặc “xui quá”.
Mà khổ cái là nó đúng như vậy thật!
Quay trở lại với câu chuyện của chúng ta. Mobile Legends ở địa hạt Đông Nam Á nói chung và Campuchia nói riêng là một huyền thoại thực sự không chỉ trên Mobile. Vậy nên những kỳ vọng của họ tại SEAGames 32 thậm chí còn vượt xa hầu hết các bộ môn lừng danh còn lại. Họ chơi ở một sân khấu hơn 1,5 nghìn người tham dự, hệ thống sân khấu hàng tỷ đồng, gần trăm nhân sự vận hành chỉ cho 4 buổi phát sóng, thậm chí còn thuê cả các chuyên gia hàng đầu từng đảm đương các giải đấu đẳng cấp toàn cầu từ khắp nơi về đảm nhận các vị trí quan trọng. Dĩ nhiên, họ cũng sẽ kỳ vọng một mức độ đầu tư tương tự đến từ các đối tác quốc gia khác. Nhưng thực tế trong thế giới tư bản chẳng có chỗ cho các giấc mơ hão huyền. Và giấc mơ MLBB Việt Nam gần như là một ví dụ như thế.
Nhưng dù sao, mặc dù không phải để tự hào quá đáng, nhưng chúng ta vẫn đang rất cố gắng ở vai trò của mình, và điều kiện của mình. Như 2 mùa MPS 2022, hệ thống giải chăm sóc cộng đồng, tuy ít ỏi nhưng không phải không có, và một đội quân tuyển thủ đến nước bạn nữa.
Luôn tiện nói về chuyện tuyển thủ. Nếu bạn là một người thường theo dõi các thông tin về esports, hẳn bạn cũng từng nghe đến drama nổi tiếng về nghi án đánh hộ tại vòng loại SEAGames năm nay. Tôi có nói chuyện với người anh là Chủ tịch VIRESA. Anh chia sẻ rằng, về bản chất thì giải đấu vòng loại SEAGames phải được hiểu là giải đấu để phát hiện nhân tài trong cộng đồng MLBB Việt Nam, không phải giải đấu mà nhà vô địch sẽ được đi SEAGames. Tức là, dựa trên biểu hiện của các bạn, chúng tôi sẽ chọn ra các thành viên là đội tuyển quốc gia, chứ không phải là một đội nào hết. Dĩ nhiên, chuyện nghi án đánh hộ là có cơ sở, và mối nguy của nó lên chất lượng đội tuyển là rõ ràng. Nhưng nghi án là nghi ngờ mà thôi, còn thực tế biểu hiện của các bạn tại SEAGames mới là thứ quyết định.
Tôi không bàn sâu thêm về vấn đề này. Nhưng từ khía cạnh của một người cùng đoàn Việt Nam, thì dù thế nào, tôi mong chúng ta có chiến thắng.
Và chuyện đó, chỉ có ngày mai mới biết.
Vui buồn yêu giận, tất cả sẽ đến.